Trang chủ >> Bảo vệ người tiêu dùng >> Tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn thực phẩm

Tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn thực phẩm

29/11/2022 | 49

Vài năm gần đây, trên địa bàn tỉnh không xảy ra ngộ độc thực phẩm tập thể, song do nhiều nguyên nhân, việc kiểm soát chất lượng an toàn thực phẩm (ATTP) còn hạn chế, tiềm ẩn nguy cơ mất ATTP.


Tại chợ Phố Hiến (thành phố Hưng Yên), nhiều loại thực phẩm tươi sống được bày bán ngay trên nền đất, nhiều thực phẩm đóng gói đã qua sơ chế cần được bảo quản bằng tủ lạnh hoặc tủ cấp đông lại được bày bán ở nhiệt độ thường. Kết thúc buổi chợ, thực phẩm đã rã đông, không bán hết lại được cất vào tủ cấp đông. Sạp hàng rau thơm các loại được sử dụng ăn sống được bày bán ngay cạnh khu vực bán, giết mổ gia cầm. Khó ai có thể biết nguồn gốc cũng như thời gian đã bảo quản của các loại hải sản được ngâm trong thau nước đá. Một người dân đang chọn mua những con bạch tuộc ngâm trong thau nước đá cho biết: Người bán nói thế nào thì biết vậy, chứ mình không biết nguồn gốc sản phẩm thế nào. Bản thân cũng rất lo lắng về vấn đề ATTP, mua các thực phẩm khác thì nhận biết qua cảm quan, kinh nghiệm, nhưng mặt hàng hải sản đông lạnh thì không biết được. 

Đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra công tác bảo đảm ATTP bếp ăn tập thể

Đồng chí Vũ Huy Kha, Phó Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm cho biết: Nguồn thực phẩm tươi sống được bày bán, bảo quản không đúng quy định dễ bị nhiễm khuẩn, kí sinh trùng từ môi trường xung quanh. Những thực phẩm đã qua sơ chế như xúc xích, các loại thịt viên chiên nếu để nhiệt độ ngoài trời vừa mất dinh dưỡng, vừa có thể bị biến đổi các thành phần có trong thực phẩm. Nhiều thực phẩm bẩn có thể gây ngộ độc cấp tính, song nhiều chất cấm trong chăn nuôi, thuốc bảo vệ thực vật còn tồn dư trên rau, quả ngấm dần vào cơ thể, lâu dài có thể gây bệnh nguy hiểm cho người dùng như ung thư…


Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có trên 100 chợ, các chợ chủ yếu là chợ dân sinh họp theo phiên, theo giờ, những chợ có quy mô nhỏ ở nông thôn, vì vậy công tác bảo đảm vệ sinh ATTP còn hạn chế. Theo đánh giá của Sở Công Thương, nguồn gốc hàng hóa thực phẩm ở nhiều chợ vẫn chưa được kiểm soát, tiềm ẩn nguy cơ mất ATTP. Để phát hiện ra các chất độc tố, hóa chất tồn dư thực phẩm, đòi hỏi quy trình lấy mẫu kiểm nghiệm phức tạp, chi phí lớn, thời gian kéo dài nên việc kiểm tra thường xuyên là rất khó. Bên cạnh đó, hạ tầng nhiều chợ còn hạn chế, hệ thống thoát nước chưa bảo đảm, hệ thống xử lý nước thải và chất thải không đạt yêu cầu, gây ô nhiễm môi trường...


Trong 6 tháng đầu năm 2022, qua công tác kiểm tra của các ngành chức năng cấp tỉnh, đã phát hiện 1.479 cơ sở thực phẩm có vi phạm, chiếm 36,21% trong tổng số cơ sở được kiểm tra; đã xử phạt vi phạm hành chính 144 cơ sở, hướng dẫn, nhắc nhở, cho thời gian khắc phục vi phạm 1.335 cơ sở; Công an tỉnh buộc kiểm dịch lại 3,8 tấn sản phẩm động vật; Cục Quản lý thị trường thu hồi, tiêu hủy nhiều sản phẩm bao gói sẵn quá hạn sử dụng, 5.580 kg thịt lợn và các sản phẩm thịt lợn. Tuyến huyện kiểm tra, giám sát 3.665 cơ sở, phát hiện 1.363 cơ sở có vi phạm. Điển hình, trong tháng 5/2022, lực lượng chức năng bắt quả tang Phạm Văn Mạnh ở thị trấn Vương (Tiên Lữ) điều khiển xe gắn máy vận chuyển 1 con lợn chết có khối lượng 260kg vi phạm pháp luật về ATTP; Công an thị xã Mỹ Hào bắt quả tang xe ô tô chở 300kg tóp mỡ đã bốc mùi ôi thiu…


Đồng chí Nguyễn Thị Anh, Giám đốc Sở Y tế, Phó Trưởng ban chỉ đạo liên ngành tỉnh về vệ sinh ATTP cho biết, công tác tổ chức thanh tra, kiểm tra ATTP tại tuyến huyện, tuyến xã chưa được thường xuyên, sâu rộng, chủ yếu triển khai thực hiện vào các dịp cao điểm về ATTP. Số lượng cơ sở được kiểm tra, việc xử lý vi phạm hành chính chưa nhiều. Nguyên nhân là nguồn nhân lực làm công tác quản lý về ATTP tại tuyến huyện, xã còn thiếu và yếu. Tại tuyến huyện, xã, cán bộ phải kiêm nhiệm nhiều lĩnh vực khác nhau, chưa có cán bộ chuyên trách và chưa được đào tạo chuyên môn sâu về quản lý ATTP. 


Hiện nay, số lượng mẫu được kiểm nghiệm chất lượng ATTP chưa nhiều do kinh phí bố trí cho hoạt động kiểm nghiệm còn hạn chế. Trong 6 tháng đầu năm, các ngành chức năng tuyến tỉnh lấy 1.348 mẫu thực phẩm để kiểm nghiệm chất lượng; tuyến huyện lấy 160 mẫu thực phẩm gồm rau, củ, quả, thịt, giò, chả, dụng cụ chứa đựng thực phẩm để kiểm tra nhanh các chỉ tiêu về ATTP... Việc quản lý nguồn nguyên liệu thực phẩm trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, đặc biệt là đối với cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, các chợ dân sinh, chợ tự phát còn gặp nhiều khó khăn do nguồn nguyên liệu thực phẩm đa dạng, phong phú, được phân phối qua nhiều kênh, khó kiểm soát. Thêm vào đó, địa phương chưa có trung tâm kiểm nghiệm thực phẩm phục vụ công tác kiểm nghiệm, xử lý vi phạm; kinh phí, trang thiết bị kỹ thuật chuyên dùng phục vụ công tác kiểm nghiệm và phát hiện, xử lý tội phạm, vi phạm pháp luật về ATTP chưa đáp ứng được yêu cầu, nhất là kinh phí cho việc phân tích, kiểm nghiệm và phục vụ tiêu hủy thực phẩm không an toàn. 


Để tăng cường công tác bảo đảm chất lượng ATTP, Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Thị Anh kiến nghị, cần kiện toàn bộ máy quản lý ATTP tuyến huyện, tuyến xã, bảo đảm có cán bộ chuyên trách làm công tác quản lý ATTP; tăng cường nguồn kinh phí cho công tác hoạt động thông tin, truyền thông, kiểm tra, hậu kiểm, giám sát mối nguy, kiểm nghiệm thực phẩm. Tuyến huyện, xã triển khai thường xuyên hơn công tác kiểm tra, giám sát, tăng cường công tác truyền thông trực tiếp đến các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm...

Nguồn: https://baohungyen.vn/tin-moi/202211/tiem-an-nguy-co-mat-an-toan-thuc-pham-b59090c/


Các bài viết khác