Loại bột ngọt này được nhập lậu vào Việt Nam qua đường biên giới với Lào tại cửa khẩu Lao Bảo (Quảng Trị) và cửa khẩu Cầu Treo (Hà Tĩnh) rồi được vận chuyển theo các tuyến xe khách về các tỉnh.
Theo thống kê từ chi cục QLTT các tỉnh Hải Dương, Bắc Giang, Đồng Nai, Khánh Hòa, Hưng Yên, Khánh Hòa, Phú Yên, Tiền Giang…, từ đầu năm đến nay có đến 56 vụ vi phạm tại 34 chợ thuộc các tỉnh này bị xử lý, thu giữ hơn 264 kg bột ngọt nhập lậu đang bày bán công khai tại các chợ.
Loại bột ngọt “ba không” (không dán nhãn nhập khẩu, không ghi thời hạn sử dụng, không công bố chất lượng hàng hoá) nhập lậu được bán với giá chỉ bằng ½ hoặc 2/3 những sản phẩm có thương hiệu trên thị trường như Vedan, Ajinomoto, Miwon.
Lực lượng chức năng tiến hành kiểm tra
Tại Lào, bột ngọt “cái muôi” được nhập vào đã không được dán nhãn phụ ghi xuất xứ hay đơn vị nhập khẩu. Trên bao bì nguyên gốc có ghi dòng chữ bằng tiếng Anh “thời hạn sử dụng 5 năm tính từ ngày sản xuất”, nhưng không thấy chỗ nào trên bao bì có in ngày sản xuất.
Tại chợ thị trấn Se Tha Muoc mới thấy hết sự phức tạp của các loại bột ngọt nhãn hiệu “cái muôi” với ít nhất 4 loại như thế nhưng khác nhau về một số yếu tố như trọng lượng, hình chiếc muôi, nhà sản xuất..., cùng chung đặc điểm là không có nhãn ghi rõ xuất xứ và thời hạn sử dụng.
Loại bột ngọt "ba không" có giá rất rẻ so với chính hãng
Theo tìm hiểu, loại bột ngọt này được nhập lậu vào Việt Nam qua đường biên giới với Lào tại cửa khẩu Lao Bảo (Quảng Trị) và cửa khẩu Cầu Treo (Hà Tĩnh) rồi được vận chuyển theo các tuyến xe khách về các tỉnh và phân phối về các chợ. Điều đáng nói, loại hàng không rõ nguồn gốc này, được nhập lậu qua đường biên giới lại chiếm tới 50% - 70% thị phần tại hầu hết các chợ của các tỉnh Bắc Giang, Hưng Yên, Khánh Hòa, Long An, Tây Ninh,…
Hiện chưa có những đánh giá chính thức về loại sản phẩm gia vị này về mức độ an toàn và chất lượng nhưng theo một kết quả kiểm định mới đây của Trung tâm Dịch vụ phân tích thí nghiệm TP.HCM từ hai mẫu bột ngọt “cái muỗng” dài 43rd và Chùa vàng, thì hàm lượng monosodium glutamat (người Việt quen gọi là bột ngọt) lần lượt đạt 98,2% và 98,7%.
Trong khi theo Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 1459:2008, chất chính monosodium glutamat phải cao hơn 99% mới được xem là bột ngọt. Đó là chưa kiểm định đến những gói sản phẩm bột ngọt “cái muỗng” dài bị sang chiết, trộn... được bày bán la liệt tại các chợ của các tỉnh nói trên.
Ông Trần Đáng, nguyên cục trưởng Cục An toàn vệ sinh thực phẩm, nhận xét: “Sử dụng gia vị như mì chính (bột ngọt) không rõ nguồn gốc, xuất xứ rất nguy hại đến sức khỏe của người tiêu dùng. Nhẹ thì gây ra những cơn ngộ độc cấp tính với biểu hiện đau đầu, chóng mặt…
Tuy nhiên, đây chỉ là bề nổi. Về lâu dài, những ngộ độc mãn tính do các chất độc tích tụ trong cơ thể có thể gây ra những chứng bệnh nan y như ung thư”.
(Nguồn: tieudungplus.vn)