Trang chủ >> Hàng thật - Hàng giả >> Báo động mỹ phẩm “dởm” bán trực tuyến

Báo động mỹ phẩm “dởm” bán trực tuyến

25/07/2024 | 370

Liên tiếp các shop bán hàng online bị cơ quan chức năng xử lý về hành vi tẩy date, kinh doanh mỹ phẩm không nguồn gốc, chứng từ, gỡ bỏ nhiều sản phẩm mỹ phẩm trên các sàn giao dịch điện tử... đặt ra vấn đề quản lý kinh doanh mặt hàng này trên sàn thương mại điện tử.

Hàng hóa, dụng cụ tẩy date cũ đã hết hạn sử dụng và in, dập date mới với hạn sử dụng do lực lượng Quản lý thị trường thu giữ ngày 9/7/2024.

Hàng hóa, dụng cụ tẩy date cũ đã hết hạn sử dụng và in, dập date mới với hạn sử dụng do lực lượng Quản lý thị trường thu giữ ngày 9/7/2024.

"Thêm" date vài năm với mỹ phẩm… đã hết hạn sử dụng

Qua ghi nhận của phóng viên Tạp chí Hải quan, thời gian qua, lực lượng chức năng (Quản lý thị trường, Công an) các địa phương từ biên giới đến nội địa đã chủ động xây dựng Kế hoạch ngăn chặn đấu tranh phòng, chống hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ và Đề án về chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng trong thương mại điện tử đến năm 2025 của Thủ tướng Chính phủ. Nhiều cá nhân lập tài khoản đăng bài bán hàng qua mạng xã hội, sàn thương mại điện tử vi phạm đã bị lực lượng chức năng “sờ gáy”.

Điển hình, ngày 11/7/2024, Đội Quản lý thị trường số 2 , Cục Quản lý thị trường TP Hải Phòng phối hợp với Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế và chức vụ, Công an quận Hải An tiến hành kiểm tra cửa hàng kinh doanh mỹ phẩm Hồng Anh có địa chỉ tại đường Chợ Lũng, phường Đằng Hải, quận Hải An, TP Hải Phòng. Tại thời điểm kiểm tra, bà Lê Thị Thu Hồng có trưng bày giới thiệu và kinh doanh các sản phẩm mỹ phẩm tại trang mạng facebook do mình sở hữu có tên: “Hồng Anh Chuyên Đồ Hiệu”. Kiểm tra thực tế tại cửa hàng, đoàn kiểm tra phát hiện 2.121 sản phẩm mỹ phẩm các loại gồm son, kem dưỡng, serum... có nhãn gốc bằng tiếng nước ngoài nhưng không có nhãn phụ bằng tiếng Việt Nam, tổng trị giá hàng hóa hơn 364 triệu đồng.

Không chỉ bán hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng nhập lậu, đáng báo động về nhiều cơ sở kinh doanh, điểm tập kết hàng chục tấn hàng hóa là nguyên liệu sản phẩm mỹ phẩm, kem đánh răng thành phẩm được lực lượng chức năng phát hiện đều không rõ nguồn gốc, xuất xứ, thậm chí đã hết hạn sử dụng.

Mới đây nhất, tại Hà Nội, ngày 9/7/2024, lực lượng Quản lý thị trường TP Hà Nội phối hợp với Đội Cảnh sát kinh tế Công an quận Bắc Từ Liêm bắt quả tang và tạm giữ hơn 50.000 sản phẩm mỹ phẩm, kem đánh răng đã hết hạn sử dụng tại 5 gian hàng kinh doanh tại khu vực đường Nguyễn Đình Tứ, phường Xuân Đỉnh, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội. Tại đây, lực lượng chức năng xác định chủ hộ kinh doanh là ông Lại Vũ Thắng, sinh năm 1988, thường trú tại số 58 ngõ 401 đường Xuân Đỉnh, phường Xuân Đỉnh, quận Bắc Từ Liêm.

Tại thời điểm kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện có nhiều sản phẩm như mỹ phẩm, dầu gội, kem đánh răng trẻ em mang các nhãn hiệu ACLEAF Repair toner, OHBT, MAMACOS, O-ZONE... do nước ngoài sản xuất. Điều đáng nói, lực lượng chức năng cũng ghi nhận một lượng lớn hàng hóa là kem đánh răng trẻ em nhãn hiệu O-ZONE và nhiều mỹ phẩm đang được tẩy date cũ đã hết hạn sử dụng và in, dập date mới với hạn sử dụng vài năm so với hạn sử dụng đã hết trước đó. Làm việc với đoàn kiểm tra, chủ kinh doanh không xuất trình được hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc hợp pháp của toàn bộ số hàng hoá tại cơ sở.

Cần kết nối, chia sẻ dữ liệu

Liên quan đến thanh tra, kiểm tra hoạt đông thương mại điện tử, thời gian qua, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương đã phát hiện nhiều hoạt động vi phạm pháp luật liên quan đến livestream bán hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng giả, hàng nhái. Kết quả, Cục đã yêu cầu gỡ bỏ 23.239 sản phẩm trên các sàn giao dịch thương mại điện tử, đồng thời yêu cầu các sàn giao dịch thương mại điện tử chấm dứt hoạt động 6.254 gian hàng. Ngoài ra, chuyển cho cơ quan Cảnh sát điều tra, xử lý vi phạm hành chính, xử lý hình sự 346 website, sàn thương mại điện tử vi phạm.

Đại diện Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số đề xuất giải pháp hoàn thiện chính sách pháp luật đối với các nền tảng mạng xã hội đa ngành, đa lĩnh vực có cho phép hoạt động kinh doanh livestream, bán hàng trực tuyến. Bộ Thông tin và Truyền thông trong quá trình sửa đổi các quy định về Internet cần cân nhắc bổ sung quy định vể định danh điện tử đối với đối tượng mà nền tảng cho phép hoạt động kinh doanh livestream, bán hàng trực tuyến. Hơn nữa, các nền tảng mạng xã hội phải phân định các tải khoản sử dụng trên mạng xã hội với mục đích riêng và tài khoản sử dụng nhằm mục đích kinh doanh.

Quản lý thương mại điện tử hay truyền thống đều có những khó khăn nhất định. Do vậy, đối với hoạt động thương mại điện tử, cơ quan quản lý phải nắm được cơ sở dữ liệu, đầu ra, đầu vào các giao dịch mới có thể quản lý.

Theo đại diện Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương hiện đang vận hành Cổng Thông tin quản lý hoạt động thương mại điện tử, đây là cơ sở dữ liệu rất lớn. Tuy nhiên, kể từ khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 18/CT-TTg ngày 30/5/2023 về đẩy mạnh kết nối, chia sẻ dữ liệu phục vụ phát triển thương mại điện tử, chống thất thu thuế, bảo đảm an ninh tiền tệ, các bộ, ngành mới đẩy mạnh, chung tay kết nối, chia sẻ dữ liệu… đã đem lại những kết quả nhất định.

Như Bộ Tài chính chia sẻ mã số thuế, Bộ Công an chia sẻ VNeID… hỗ trợ xác thực định danh một đối tượng, một chủ thể khi thực hiện hoạt động thương mại điện tử.

Bộ Công Thương đã chuyển cho Bộ Tài chính (Tổng cục Thuế), Bộ Công an hơn 900 website sàn giao dịch thương mại điện tử; khoảng 300 ứng dụng cung cấp dịch vụ thương mại điện tử.

Nguồn: https://chatluongvacuocsong.vn/bao-dong-my-pham-dom-ban-truc-tuyen-d128046.html


Các bài viết khác