Đây là kết luận được rút ra tại Hội nghị khoa học quốc tế về Thực phẩm chức năng lần thứ 2 được diễn ra vào ngày 22/11, do Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) và Hiệp hội Thực phẩm chức năng phối hợp tổ chức.
Hội nghị khoa học quốc tế về Thực phẩm chức năng lần thứ 2 với sự tham gia của 350 đại biểu trong nước và quốc tế, đại diện cho các cơ quan của Chính phủ, Quốc hội, Bộ ngành của Bộ Y tế, các Hiệp hội cùng các lãnh đạo thuộc Cục, Chi Cục An toàn thực phẩm và các nhà khoa học đến từ Mỹ, Đức, Nhật, Ấn Độ, Singapore, Hàn Quốc...
Hội nghị khoa học quốc tế về Thực phẩm chức năng lần thứ 2 được tổ chức với mục tiêu trao đổi kinh nghiệm về quản lý, chia sẻ các thông tin chuyên ngành, các thành tựu khoa học, công nghệ được ứng dụng trong lĩnh vực thực phẩm chức năng.
|
Đoàn Chủ tịch Hội nghị khoa học quốc tế về Thực phẩm chức năng lần thứ 2. |
15 báo cáo chuyên sâu của các nhà khoa học trong nước và quốc tế xoay quanh các nội dung chính gồm: Sự ra đời, phát triển của thực phẩm chức năng ở Việt Nam và khu vực ASEAN, vai trò của thực phẩm chức năng đối với việc nâng cao sức khỏe của người sử dụng; Áp dụng GMP trong sản xuất thực phẩm chức năng là cần thiết và là tiêu chuẩn bắt buộc; Phương hướng sử dụng nguyên liệu để sản xuất thực phẩm chức năng từ thảo dược, động vật, khoáng vật, vi tảo, probiotics, nấm, nấm men... Các nghiên cứu tạo ra các sản phẩm cho dự phòng và điều trị các bệnh mạn tính như đái tháo đường, mỡ máu cao, mãn dục nam, rối loạn vi khuẩn đường ruột... là cần thiết; Cần tăng cường công tác quản lý về công bố công dụng quảng cáo, ghi nhãn, kiểm nghiệm thực phẩm chức năng với mục đích cuối cùng là đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng, đồng thời tạo điều kiện để các doanh nghiệp sản xuất thực phẩm chức năng hướng tới mục tiêu xây dựng ngành thực phẩm chức năng Việt Nam trở thành ngành kinh tế-y tế chăm sóc sức khỏe của nhân dân.
PGS.TS Nguyễn Thanh Phong – Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), đồng Trưởng Ban tổ chức cho biết: “Chúng ta không lo thiếu thực phẩm chức năng, chỉ lo thiếu thực phẩm chức năng chất lượng tốt. Trong thời gian tới, Chính phủ cũng như các bộ ngành sẽ triển khai quyết liệt việc quản lý thực phẩm chức năng”.
"Nếu không siết chặt quản lý, để tình trạng quản lý lỏng lẻo như hiện nay tiếp diễn, sẽ gây ra sự không bình đẳng đối với các doanh nghiệp sản xuất thực phẩm chức năng, đồng thời ảnh hưởng lớn đến sức khỏe của người tiêu dùng. Siết chặt quản lý thực phẩm chức năng cũng giúp tăng thêm niềm tin về thực phẩm chức năng của người tiêu dùng", ông Phong chia sẻ.
Phương Thúy
(Nguồn: nguoitieudung.com.vn)