Trang chủ >> Tin tức chuyên ngành >> Người tiêu dùng Việt sẽ tăng chi tiêu trong năm 2025?

Người tiêu dùng Việt sẽ tăng chi tiêu trong năm 2025?

15/11/2024 | 374

63% người tiêu dùng Việt Nam dự kiến sẽ gia tăng chi tiêu cho mặt hàng nhu yếu phẩm, 52% chi tiêu cho quần áo và 48% dành cho các sản phẩm chăm sóc sức khỏe…

Ưu tiên lựa chọn sản phẩm bền vững

Ngày 11/11, Công ty kiểm toán PricewaterhouseCoopers (PwC) Việt Nam công bố kết quả “Khảo sát Người tiêu dùng tại châu Á Thái Bình Dương năm 2024”, trong đó cho biết, người tiêu dùng Việt Nam quan tâm hơn đến cách chi tiêu trong thời kỳ kinh tế biến động.

Cuộc khảo sát thăm dò ý kiến ​​​​của hơn 7.000 người tiêu dùng trong khu vực, trong đó có 515 người đến từ Việt Nam, cho thấy lạm phát là rủi ro hàng đầu đối với đại đa số (63%) người tiêu dùng Việt trong 12 tháng tới.

Dấu hiệu phục hồi, lạm phát dai dẳng ở các nền kinh tế khu vực Châu Á Thái Bình Dương vẫn là mối lo ngại lớn khiến người tiêu dùng trở nên quan tâm hơn đến cách chi tiêu của mình.

Theo kết quả khảo sát, tại Việt Nam, 63% người tiêu dùng dự kiến trong 12 tháng tới sẽ gia tăng chi tiêu cho mặt hàng nhu yếu phẩm, tiếp theo là quần áo (52%) và các sản phẩm chăm sóc sức khỏe (48%).

Yếu tố xanh, thân thiện với môi trường dần trở thành một tiêu chí quan trọng trong lựa chọn sản phẩm của người tiêu dùng trẻ.
Yếu tố xanh, thân thiện với môi trường dần trở thành một tiêu chí quan trọng trong lựa chọn sản phẩm của người tiêu dùng. Ảnh: Quỳnh Hương

Song người tiêu dùng chỉ sẵn sàng gắn bó với những thương hiệu mà họ thực sự tin tưởng. Do đó, các doanh nghiệp cần biết cách xây dựng niềm tin trên mọi phương diện và hình thành các mối liên kết bền vững với người tiêu dùng.

Đặc biệt, người tiêu dùng Việt Nam đang ngày càng ưu tiên tính bền vững trong thói quen tiêu dùng, khi có 94% cho biết đã trải qua những tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu trong cuộc sống hàng ngày (tỷ lệ này ở khu vực là 88%).

Đáng chú ý, 74% người tiêu dùng Việt Nam bày tỏ sẵn sàng chi trả cao hơn 20% so với mức giá trung bình cho một sản phẩm được làm từ vật liệu tái chế/bền vững và có đến 85% sẽ cân nhắc việc mua xe hybrid (xe lai) hoặc xe điện trong 3 năm tới.

Ông Rakesh Mani - Lãnh đạo Thị trường Tiêu dùng, PwC châu Á Thái Bình Dương - cho rằng, người tiêu dùng ngày nay phải đối mặt với nhiều áp lực, bao gồm sự bất ổn kinh tế, mối lo ngại về quyền riêng tư dữ liệu cũng như nhận thức ngày càng cao về các vấn đề môi trường và xã hội.

Các công ty tạo ra sự khác biệt sẽ tập trung vào việc xây dựng mối liên kết tin cậy với người tiêu dùng. Sự cộng hưởng cảm xúc đó - cho dù thông qua đổi mới sản phẩm, sự linh hoạt đa kênh hay các nỗ lực cho sự bền vững… đều nâng cao sự kết nối, vượt ra ngoài phạm vi giao dịch đơn thuần và khuyến khích lòng trung thành với thương hiệu sâu sắc hơn.

Tỷ lệ mua sắm trực tuyến cao nhất khu vực

Cùng với sự phổ biến của các nền tảng thương mại điện tử, khảo sát cho rằng, Việt Nam đang có tỷ lệ mua sắm trực tuyến cao nhất trong khu vực, trong đó 67% qua điện thoại di động và 44% qua máy tính cá nhân, mặc dù việc mua sắm trực tiếp tại cửa hàng vẫn đang ở mức cao (63%).

Bên cạnh đó, người tiêu dùng Việt Nam cũng tích cực đón nhận và sử dụng các nền tảng mạng xã hội, với mục đích tiếp cận các thương hiệu mới và tham khảo đánh giá trước khi mua hàng. 71% cho biết đã từng mua sắm thông qua nền tảng này, cao hơn đáng kể so với mức trung bình của khu vực là 56%.

Người tiêu dùng Việt sẽ tăng chi tiêu trong năm 2025?
Việt Nam đang có tỷ lệ mua sắm trực tuyến cao nhất trong khu vực. Ảnh: Lê Minh

Tuy nhiên, trước những phản hồi tiêu cực khi mua sắm trực tuyến, dường như niềm tin của người tiêu dùng đã bị suy giảm phần nào khi cân nhắc về sự an toàn và độ tin cậy của mạng xã hội.

Khảo sát chỉ ra, có 77% lo ngại về quyền riêng tư và chia sẻ dữ liệu, tương tự như các nước châu Á Thái Bình Dương (74%).

Cũng theo khảo sát, người tiêu dùng Việt Nam khá cởi mở với việc sử dụng AI trong các hoạt động ít rủi ro, tuy vậy vẫn muốn có sự tương tác trực tiếp với con người trong các giao dịch phức tạp.

Cụ thể, 69% AI có thể trợ giúp thu thập thông tin sản phẩm, theo sau là đưa ra gợi ý về sản phẩm (63%) và hỗ trợ dịch vụ khách hàng (59%).

Với những kỳ vọng đang ngày càng gia tăng của người tiêu dùng khi mua sắm tại cửa hàng và mua sắm trực tuyến, báo cáo khuyến nghị, các thương hiệu và nhà bán lẻ cần áp dụng chiến lược đa kênh một cách linh hoạt.

Ông Nguyễn Lương Hiền - Phó Tổng Giám đốc, Lãnh đạo Dịch vụ Tiêu dùng và bán lẻ, PwC Việt Nam - cho rằng, trong bối cảnh thị trường tiêu dùng Việt Nam ngày càng cạnh tranh và đa dạng, các nhà lãnh đạo doanh nghiệp cần đưa ra những quyết định chiến lược để thúc đẩy tăng trưởng.

Khảo sát Người tiêu dùng 2024 cho thấy, việc xây dựng lòng tin và đáp ứng nhu cầu tức thời của người tiêu dùng là yếu tố then chốt. Báo cáo cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc mang tới những giá trị vượt trội bên ngoài cạnh tranh về giá, xây dựng chiến lược bán lẻ phù hợp với mục đích cá nhân của khách hàng và đồng thời khuyến khích các lựa chọn tiêu dùng có trách nhiệm.

Sự minh bạch, nhất quán và một chiến lược ứng dụng GenAI cùng quản trị rủi ro sẽ là những yếu tố quan trọng để xây dựng lòng tin và thu hút khách hàng. Bên cạnh đó, thực hành phát triển bền vững một cách thực chất bằng việc minh bạch hóa các thông tin về quá trình sản xuất và có chứng nhận của bên thứ ba sẽ góp phần quan trọng trong việc xây dựng hoạt động kinh doanh bền vững cho doanh nghiệp.

Với những hành động này, các nhà lãnh đạo doanh nghiệp không chỉ sẵn sàng đối mặt với những thách thức hiện tại mà còn nắm bắt cơ hội để phát triển mạnh mẽ trong thị trường tiêu dùng Việt Nam, một trong những thị trường được dự đoán là sẽ sôi động nhất thế giới vào năm 2030.

Trước đó, Báo cáo Nghiên cứu Tâm lý Người tiêu dùng ASEAN của Ngân hàng UOB (Singapore) cũng cho thấy, người tiêu dùng Việt Nam đã tăng chi tiêu cho các mặt hàng thiết yếu trong năm vừa qua. Trong đó, ba hạng mục hàng đầu là giáo dục cho con cái (42%), chăm sóc sức khỏe (33%) và các dịch vụ tiện ích (33%).

Các trải nghiệm du lịch, ăn uống, lễ hội được chi tiêu nhiều hơn so với khu vực với tỷ lệ khảo sát đạt 42%, cao hơn tỷ lệ trung bình của khu vực ASEAN là 35%. Người tiêu dùng trẻ tuổi có xu hướng chi tiêu cho trải nghiệm nhiều hơn các nhóm khác, đặc biệt là Gen Z với 47% trong số họ cho biết đã chi nhiều hơn cho các hoạt động về trải nghiệm.

Về chi tiêu ở nước ngoài, hơn 70% người tiêu dùng Việt Nam cho biết họ đã chi tiêu ở nước ngoài trong khu vực ASEAN trong năm qua, trong đó Thái Lan và Singapore là những điểm đến phổ biến nhất. Trong số các phương thức thanh toán ở nước ngoài, 71% người được hỏi cho biết họ thích sử dụng thẻ tín dụng/thẻ ghi nợ vật lý, hoặc thẻ tín dụng/ thẻ ghi nợ di động - trong khi chỉ có 38% thích sử dụng tiền mặt.

Về chi phí dự phòng cho tương lai, báo cáo cũng chỉ ra gần 60% người tiêu dùng Việt Nam đã dành ra ít nhất ba tháng chi phí cho các trường hợp khẩn cấp, cao hơn mức trung bình của khu vực là 54%. Gần một nửa số người được hỏi cho biết thường xuyên tiết kiệm hơn 20% thu nhập hàng tháng của mình, chủ yếu là ở nhóm Gen Y (26 - 41 tuổi).

Mặt khác, nhu cầu đầu tư cũng rất mạnh mẽ, với 63% người tiêu dùng Việt Nam phân bổ hơn 10% thu nhập trong năm của mình cho các khoản đầu tư - cao hơn 10 điểm phần trăm so với mức trung bình của khu vực. Tuy nhiên, phạm vi bảo hiểm vẫn còn hạn chế, đặc biệt là đối với bệnh hiểm nghèo, tử vong và thương tật toàn bộ vĩnh viễn. Trong khi 86% người tiêu dùng Việt Nam có bảo hiểm y tế cơ bản, chỉ có 15% có bảo hiểm bệnh hiểm nghèo, thấp hơn mức trung bình của khu vực là 24%. Ngoài ra, chỉ có 13% người tiêu dùng Việt có bảo hiểm tử vong và thương tật toàn bộ vĩnh viễn, thấp hơn bốn điểm phần trăm so với mức trung bình của khu vực.

Nguồn: https://congthuong.vn/nguoi-tieu-dung-viet-se-tang-chi-tieu-trong-nam-2025-358322.html


Các bài viết khác