Trang chủ >> Tin tức chuyên ngành >> Nhiều dấu ấn tích cực trong công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng

Nhiều dấu ấn tích cực trong công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng

19/03/2024 | 26

Trên cơ sở nền tảng pháp luật vững chắc, trong gần 12 năm qua, công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã đạt được nhiều dấu ấn tích cực.

Thế giới đánh giá tích cực về công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng của Việt Nam
Tại Lễ Phát động hưởng ứng Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam năm 2024, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân cho biết, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng có vị trí và vai trò quan trọng đối với sự phát triển bền vững của xã hội và đất nước. Nhận thức được giá trị cốt lõi này, trong suốt giai đoạn từ năm 1999 tới nay, Quốc hội và Chính phủ đã có sự quan tâm, chỉ đạo sát sao, thường xuyên, đặc biệt là đối với công tác xây dựng và thực thi pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Năm 2010, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã được ban hành. Ngay sau đó, hệ thống văn bản hướng dẫn Luật đã không ngừng được hoàn thiện, bổ sung để nhanh chóng đưa các quy định của Luật vào thực tiễn.

“Trên cơ sở nền tảng pháp luật vững chắc, trong gần 12 năm qua, công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã đạt được nhiều dấu ấn tích cực. Nhận thức của cộng đồng về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã nâng cao rõ rệt; hệ thống cơ quan, tổ chức bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã được hình thành và không ngừng củng cố. Đối với phong trào bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trên thế giới, những đóng góp và hoạt động của Việt Nam đã được nhiều nước, nhiều tổ chức quốc tế đánh giá tích cực và có hiệu quả”, Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân nhấn mạnh.

Nhiều dấu ấn tích cực trong công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng
Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân phát biểu tại Lễ Phát động hưởng ứng Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam năm 2024

Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân cũng ghi nhận và đánh giá cao sự tham gia, đóng góp không nhỏ của các tổ chức xã hội, các cơ quan quản lý và cộng đồng doanh nghiệp để có được những kết quả nêu trên. Thứ trưởng bày tỏ tin tưởng rằng, trong thời gian tới, sẽ tiếp tục nhận được sự phối hợp tích cực, chặt chẽ hơn nữa của các cơ quan, tổ chức và cộng đồng doanh nghiệp.

Tuy nhiên, cùng với những thành tựu đã đạt được, Thứ trưởng cho rằng vẫn còn nhiều rào cản đang ảnh hưởng tới sự phát triển của công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tại Việt Nam. Trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, thách thức về kinh tế và đặc biệt là thực trạng xâm phạm quyền lợi người tiêu dùng vẫn đang tiếp diễn ngày càng tinh vi và mở rộng với nhiều hình thức mới thì những kết quả vừa qua mới chỉ là bước đầu.

Trước thực trạng đó và đặc biệt, trước yêu cầu thực tiễn của quá trình phát triển kinh tế, sản xuất và xu hướng tiêu dùng, cần tiếp tục có giải pháp mạnh mẽ, đột phá và toàn diện để thúc đẩy hiệu quả công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

“Ngày 20/6/2023, Quốc hội đã thông qua Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Luật là kết tinh của quá trình hơn 2 năm chuẩn bị, xây dựng và hoàn thiện; với sự tham gia chủ động, tích cực của Cơ quan soạn thảo là Bộ Công Thương; Cơ quan thẩm tra là Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội. Cùng với đó, là quá trình tham gia ý kiến đầy trách nhiệm, tâm huyết của các cơ quan, tổ chức, hiệp hội, trong đó có rất nhiều ý kiến của cộng đồng doanh nghiệp và đặc biệt là của các vị đại biểu Quốc hội”, Thứ trưởng cho hay.

Nhiều dấu ấn tích cực trong công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng
Các đại biểu thực hiện nghi thức phát động Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam năm 2024

Lãnh đạo Bộ Công Thương cho biết thêm, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2023 đã sửa đổi toàn diện Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010; bổ sung nhiều quy định để bảo đảm thống nhất với hệ thống pháp luật hiện hành và kịp thời điều chỉnh các vấn đề mới phát sinh, trong đó, nhiều quy định mang tính dấu ấn, lần đầu xuất hiện trong hệ thống pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Theo Thứ trưởng, một trong những quy định tại Luật năm 2023 có nhiều ý nghĩa đối với người tiêu dùng và công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng là việc tiếp tục quy định lấy ngày 15/3 hằng năm là Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam.

“Việc quy định về Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam tại Luật không chỉ tiếp tục khẳng định vai trò, vị trí, tầm quan trọng của công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng mà còn tạo cơ sở pháp lý mạnh mẽ hơn để huy động sự quan tâm, hưởng ứng, tham gia của toàn xã hội đối với công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng”, Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân nhận định.

Đưa Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam trở thành thói quen xuyên suốt

Ông Tạ Đình Thi, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội hoan nghênh, biểu dương và đánh giá cao các cơ quan của Chính phủ, Bộ Công Thương, UBND các tỉnh, thành và các doanh nghiệp, tổ chức đã thường xuyên, liên tục hàng năm tổ chức Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam, góp phần đưa dịp Ngày 15/3 là sự kiện quen thuộc đối với người tiêu dùng và cộng đồng doanh nghiệp trên cả nước.

Nhiều dấu ấn tích cực trong công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng
Ông Tạ Đình Thi, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội phát biểu tại Lễ Phát động hưởng ứng Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam năm 2024

Để triển khai hiệu quả Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, trong đó có việc tiếp tục đưa Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam trở thành thói quen thường xuyên, xuyên suốt trong toàn bộ quá trình sản xuất, kinh doanh, hoạt động của các cơ quan, tổ chức, ông Tạ Đình Thi đề nghị: Cần xác định rõ bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng là trách nhiệm chung của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, chứ không chỉ tập trung vào một cơ quan, một đơn vị. Bên cạnh công tác thực thi của các cơ quan Chính phủ thì các đơn vị của Quốc hội có trách nhiệm giám sát để kịp thời phát hiện, kiến nghị và có giải pháp điều chỉnh về mặt chính sách, lập pháp để không ngừng nâng cao hiệu lực của các quy định.

“Đặc biệt, trong quá trình thực thi Luật, tất cả các cơ quan, đơn vị cần chú trọng thường xuyên đối thoại với doanh nghiệp, người dân để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện”, ông Tạ Đình Thi đề nghị.

Bên cạnh đó, cần phát huy trách nhiệm, tính chủ động, sáng tạo của các cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Cá nhân, tổ chức, người đứng đầu các cơ quan, đơn vị cần nhận thức đầy đủ và thể hiện tinh thần trách nhiệm cao, chủ động, quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng được phân công.

“Cần huy động tổng lực tham gia thực hiện công tác truyền thông, thông tin, bảo đảm tuyên truyền rộng, sớm và đúng các nội dung của Luật. Cần lưu ý nghiên cứu việc sử dụng công nghệ thông tin trong công tác truyền thông, ví dụ như việc sử dụng mạng xã hội để tuyên truyền về Luật”, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường yêu cầu.

Đồng thời, để sớm đưa các quy định của Luật vào cuộc sống, đề nghị các cơ quan của Chính phủ cần bảo đảm việc ban hành các văn bản hướng dẫn, quy định chi tiết không phát sinh chồng chéo, vướng mắc, điểm nghẽn, phát sinh quy trình, thủ tục, gây gánh nặng bất hợp lý cho doanh nghiệp.

Đáng chú ý, cần nâng cao ý thức, nhận thức về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng của các chủ thể tham gia thị trường. Theo ông Tạ Đình Thi, xu hướng phát triển kinh tế ngày càng cho thấy rõ vai trò của người tiêu dùng đối với sự thành bại của doanh nghiệp. Tuy nhiên, người tiêu dùng lại là nhóm chủ thể có nhiều hạn chế trong việc tiếp cận và thực hiện quyền lợi của mình. Do vậy, các chủ thể tham gia thị trường có trách nhiệm hỗ trợ người tiêu dùng, đặc biệt là các doanh nghiệp và các tổ chức xã hội. Đối với các doanh nghiệp, cần nhận thức được rằng việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng không chỉ là nghĩa vụ mà cũng là quyền lợi của chính mình và là trách nhiệm với lợi ích chung của toàn xã hội.

Tại Lễ Phát động, ông Tạ Đình Thi bày tỏ tin tưởng rằng, việc quy định về Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam và việc thực thi Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2023 sẽ tiếp tục là động lực quan trọng để nâng cao vị thế của người tiêu dùng và là cơ hội để các cơ quan, tổ chức đưa sự kiện này thành sự kiện thường niên, gắn kết cộng đồng trong và ngoài nước, truyền cảm hứng và niềm tin cho người tiêu dùng, cho cộng đồng và toàn xã hội.

“Với tinh thần "Tất cả vì người tiêu dùng", chúng ta hãy cùng nỗ lực xây dựng môi trường tiêu dùng lành mạnh, sáng tạo, phát triển và thành công!”, ông Tạ Đình Thi nhấn mạnh.

Nhiều dấu ấn tích cực trong công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng
Các diễn giả tập trung thảo luận, chia sẻ về sự cần thiết, quá trình xây dựng, những kỳ vọng và định hướng triển khai Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2023 trong khuôn khổ Lễ Phát động hưởng ứng Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam năm 2024

Khẳng định tầm quan trọng của việc cung cấp thông tin minh bạch

Theo lãnh đạo Bộ Công Thương, năm 2024, Bộ Công Thương tiếp tục lựa chọn chủ đề hưởng ứng Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam là “Thông tin minh bạch - Tiêu dùng an toàn” nhằm khẳng định tầm quan trọng của việc cung cấp thông tin minh bạch để bảo đảm môi trường tiêu dùng an toàn cho người tiêu dùng, cộng đồng và toàn xã hội. Chủ đề trên cũng nhằm kêu gọi các cơ quan, tổ chức cần nhanh chóng triển khai thực hiện các hoạt động tuyên truyền, cung cấp thông tin cho xã hội về Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng để từ đó góp phần sớm đưa các quy định của Luật vào thực tiễn, tạo ra sự lan tỏa, sự đồng thuận chung trong việc tiếp cận và vận dụng các quy định của Luật.

“Nhân ngày 15/3 - Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam, thay mặt Lãnh đạo Bộ Công Thương, tôi kêu gọi các Bộ, ngành, đoàn thể và chính quyền các địa phương trên cả nước, các tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp hãy cùng nhau thực hiện những hành động thiết thực để góp phần bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; cùng nhau hướng đến xây dựng một môi trường tiêu dùng lành mạnh, một nền kinh tế cạnh tranh minh bạch và hiệu quả”, Thứ tưởng kêu gọi.

Với vai trò là doanh nghiệp kết nối, ông Nguyễn Lâm Thanh, đại diện Tik Tok Việt Nam cho biết, không chỉ là trách nhiệm của các doanh nghiệp cung cấp hàng hoá, sản phẩm, chính quyền, các cấp ngành mà các doanh nghiệp nền tảng mạng xã hội cũng phải đồng hành để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

“Làm sao để giúp hàng hóa có thể không phải là hàng nhái, không phải là hàng giả nhưng hàng hóa phải thực chất, không bị người bán hàng nói quá trên nền tảng mạng xã hội. Để bảo vệ người tiêu dùng, Tik Tok Việt Nam sẽ xử phạt người bán hàng, nhà cung cấp hàng hoá bị nói quá lên trên nền tảng của mình từ 100 - 200% giá trị sản phẩm cung cấp để họ quảng cáo hàng một cách chính xác với công dụng, chất lượng, mẫu mã sản phẩm”, ông Thanh nói.

Trong khi đó, ông Lương Đăng Ninh, Chủ tịch Hội bảo vệ người tiêu dùng tỉnh Lạng Sơn nêu quan điểm: Việc quảng cáo trên không gian mạng đang đem lại nhiều tiện ích nhưng có nhiều hạn chế bới sự kinh doanh thiếu chung thực và người tiêu dùng dễ bị lợi dụng, dễ bị tổn thương, nhất là ở những địa phương có tỷ lệ người dân là đồng bào dân tộc, miền núi như ở Lạng Sơn. Do vậy cần phải nêu cao tinh thần trách nhiệm không chỉ của các cơ quan chức năng, mà của cả doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp cung ứng nền tảng mạng xã hội.

Cũng trong khuôn khổ Lễ Phát động, Bộ Công Thương đã trao tặng Bằng khen của Bộ trưởng cho các cá nhân, tập thể có thành tích xuất sắc trong công tác xây dựng Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2023.

Nhiều dấu ấn tích cực trong công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng

Nhiều dấu ấn tích cực trong công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng

Nguồn: https://congthuong.vn/nhieu-dau-an-tich-cuc-trong-cong-tac-bao-ve-quyen-loi-nguoi-tieu-dung-308912.html


Các bài viết khác