Trang chủ >> Tin tức chuyên ngành >> Sửa đổi Luật để bảo vệ người tiêu dùng toàn diện hơn

Sửa đổi Luật để bảo vệ người tiêu dùng toàn diện hơn

12/01/2023 | 52

Chính phủ đã đề xuất và được Quốc hội nhất trí đưa dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) vào chương trình xây dựng Luật, pháp lệnh năm 2022.

Nhằm hoàn thiện khung pháp lý để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, đặc biệt trên môi trường thương mại điện tử, không gian mạng, Chính phủ đã đề xuất và được Quốc hội nhất trí đưa dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) vào chương trình xây dựng Luật, pháp lệnh năm 2022.

Những phát sinh từ giao dịch trên nền tảng số

Trong Ấn phẩm Sách Trắng thương mại điện tử Việt Nam năm 2022, Bộ Công Thương cho biết, bất chấp dịch Covid-19 ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động thương mại và dịch vụ, ngành thương mại điện tử vẫn tăng trưởng 16%, doanh thu bán lẻ đạt 13,7 tỷ USD trong năm 2021 và dự báo sẽ chạm mốc 39 tỷ USD vào năm 2025, đứng thứ 2 trong ASEAN, sau Indonesia. Ước tính, số lượng người tiêu dùng mua sắm trực tuyến ở nước ta trong năm nay có thể chạm ngưỡng 60 triệu người.

Sửa đổi Luật để bảo vệ người tiêu dùng toàn diện hơn

Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân giải trình trước Quốc hội về Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi)

Thương mại điện tử một mặt giúp người tiêu dùng mua bán nhanh chóng, dễ dàng, thuận lợi hơn song cũng phải đối mặt với nhiều rủi ro khiến người tiêu dùng hoang mang, lo lắng. Có thể kể đến những rủi ro như: Bị lợi dụng thông tin cá nhân để chiếm đoạt tài sản; bị lừa đảo, hoặc mua phải hàng giả, hàng nhái; hoặc bị từ chối, kéo dài thời gian giải quyết khi có khiếu nại…

Theo số liệu của Bộ Công Thương, các vụ việc vi phạm quyền lợi người tiêu dùng tăng nhanh cả về số lượng và mức độ nghiêm trọng. Cụ thể khoảng 1.500 vụ mỗi năm trong giai đoạn 2016 - 2020, cũng là khoảng thời gian phát triển bùng nổ thương mại điện tử .

Báo cáo của Liên minh chống lừa đảo toàn cầu (GASA) cũng cho thấy, Việt Nam hiện là quốc gia có tỷ lệ lừa đảo qua mạng cao. Số vụ lừa đảo tại Việt Nam hiện là 87.000 vụ, gây thiệt hại 374 triệu USD trong năm 2021.

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, Chuyên gia kinh tế nhìn nhận, các vụ khiếu nại vì hoạt động thương mại trên không gian mạng tăng nhanh qua các năm chứng tỏ rằng, trong thương mại điện tử , hoạt động trái pháp luật phát triển nhanh hơn, mạnh hơn. Giao dịch điện tử là những hoạt động không trực tiếp vì vậy rất dễ để những đối tượng xấu lẩn khuất ở hình thức này hay hình thức khác, từ đó có các hoạt động thương mại không theo đúng yêu cầu và không bảo vệ được quyền lợi cho người tiêu dùng.

"Sự phát triển nhanh và mạnh của thương mại điện tử cũng đòi hỏi chúng ta cần có sự thay đổi. Các quy định về bảo vệ người tiêu dùng trước đây đã có ở nhiều mảng khác nhau nhưng có sự chồng chéo và thực hiện chưa tốt. Vì vậy, tôi cho rằng dự Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cần được sửa đổi để phù hợp với xu thế phát triển hiện nay" - PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cho hay.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Mạnh Hùng - Chủ tịch Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam - cho rằng, chính sách bảo vệ người tiêu dùng của Việt Nam hiện nay khá toàn diện nhưng khiếu nại vẫn gia tăng, do các nguyên nhân: Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã ban hành cách đây 12 năm, trong khi tình hình kinh tế - xã hội đã có nhiều thay đổi với những mô hình kinh doanh có yếu tố mới, trong điều kiện chuyển đổi số. Nhiều quy định của Luật đã không còn phù hợp với thực tế nhưng chưa được điều chỉnh.

Thừa nhận, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trên không gian mạng hiện vẫn còn là một vấn đề mới đối với Việt Nam, ông Trịnh Anh Tuấn - Phó Cục trưởng Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương) - cho biết: Về mặt chính sách đã được quy định rải rác ở một số văn bản pháp luật và tập trung chủ yếu vào lĩnh vực thương mại điện tử , như: Luật Bảo vệ quyền lợi NTD, các luật chuyên ngành, đặc biệt là Nghị định số 52/2013/NĐ-CP về TMĐT; Nghị định số 85/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 52/2013/NĐ-CP; Nghị định số 98/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; Nghị định số 17/2022/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 98/2020/NĐ-CP và sửa đổi một số Nghị định liên quan.

Hoàn thiện khung khổ pháp lý

Nhằm hoàn thiện khung pháp lý để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tốt hơn, đặc biệt là trong môi trường thương mại điện tử, trên không gian mạng, Chính phủ đã đề xuất và được Quốc hội nhất trí đưa dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) vào chương trình xây dựng Luật, pháp lệnh năm 2022.

Trong một năm qua, với vai trò là cơ quan chủ trì soạn thảo Bộ Công Thương đã phối hợp với các cơ quan, tổ chức liên quan thực hiện xây dựng, hoàn chỉnh Dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) và trình Chính phủ ngày 8/6; dự thảo Luật cũng được Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 4 tháng 10/2022; dự kiến sẽ được Quốc hội xem xét thông qua vào Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV vào tháng 5/2023.

Thông tin về những điểm mới của dự án Luật này, ông Trịnh Anh Tuấn cho biết, để có thể điều chỉnh kịp thời các loại hình kinh doanh, giao dịch mới với người tiêu dùng cũng như các hành vi vi phạm quyền lợi người tiêu dùng mới có thể nảy sinh trong điều kiện chuyển đổi số, sự phát triển mạnh mẽ của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, xu thế toàn cầu hóa, dự thảo Luật sửa đổi đã bổ sung một chương mới quy định về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùngtrong các giao dịch đặc thù. Theo đó, giao dịch từ xa, bao gồm giao dịch được thực hiện trên không gian mạng, là một trong 3 loại hình quan trọng thuộc giao dịch đặc thù.

"Điểm đáng lưu ý là, dự thảo đã bổ sung các quy định cụ thể về trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh với người tiêu dùng trong các giao dịch trên không gian mạng. Quy định trách nhiệm đối với tổ chức thiết lập, vận hành nền tảng số trung gian, tổ chức, cá nhân kinh doanh được xác định là nền tảng số lớn…" - ông Trịnh Anh Tuấn cho biết.

Bên cạnh đó, dự thảo cũng đưa ra các quy định cấm đối với tổ chức, cá nhân kinh doanh thiết lập, vận hành, cung cấp dịch vụ nền tảng số như: Cấm ép buộc hoặc ngăn cản người tiêu dùng đăng ký sử dụng hoặc sử dụng nền tảng số trung gian khác như điều kiện bắt buộc để sử dụng dịch vụ; cấm sử dụng các biện pháp ngăn hiển thị hoặc hiển thị không trung thực kết quả phản hồi, đánh giá của người tiêu dùng về sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ; tổ chức, cá nhân kinh doanh trên nền tảng số; cấm ngăn cản người tiêu dùng gỡ bỏ các phần mềm, ứng dụng cài đặt sẵn hoặc buộc người dùng cài đặt các phần mềm, ứng dụng kèm theo nền tảng trực tuyến.

Đánh giá về dự thảo Luật, ông Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) tiến bộ hơn rất nhiều so với Luật cũ và được điều chỉnh rộng khắp nhiều lĩnh vực, nhiều điều khoản. Trong đó có các quy định, điều chỉnh về trách nhiệm của người bán hàng, các đơn vị trung gian và cả các quy định về nền tảng bán hàng, đăng ký gian hàng là những sửa đổi rất ý nghĩa. Chắc chắn, sẽ giúp cho công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng nói chung và trong các giao dịch đặc thù (trên không gian mạng) sẽ tốt hơn.

Dự án Luật Bảo vệ quyền lợi NTD (sửa đổi) dự kiến sẽ được Quốc hội xem xét thông qua vào Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV vào tháng 5/2023.

Nguồn: https://congthuong.vn/sua-doi-luat-de-bao-ve-nguoi-tieu-dung-toan-dien-hon-232916.html


Các bài viết khác