Trang chủ >> Tư vấn >> MỘT SỐ VẤN ĐỀ VỀ BẢO VỆ NGƯỜI TIÊU DÙNG LÀ TRẺ EM

MỘT SỐ VẤN ĐỀ VỀ BẢO VỆ NGƯỜI TIÊU DÙNG LÀ TRẺ EM

01/11/2018 | 1088

Trong khi một bộ phận trẻ lớn hơn có thể là những NTD khá hiểu biết, đại bộ phận các em, đặc biệt các em trong độ tuổi đến trường thường mua sắm và sử dụng dịch vụ một cách ngẫu nhiên và chịu ảnh hưởng rất mạnh của các biện pháp tiếp thị ráo riết của thương nhân (cá nhân, tổ chức sản xuất, kinh doanh hàng hóa và dịch vụ).

Rào cản lớn nhất ngăn cản trẻ em thực hiện các quyền của mình với tư cách là NTD chính là việc chúng thường không hề hay biết mình có các quyền đó. Kể cả khi trẻ em biết là mình có quyền, chúng cũng thường không biết làm thế nào để thực hiện các quyền đó, hoặc không đủ tự tin để khiếu nại đòi bồi thường/bảo vệ khi các quyền của chúng bị xâm phạm (điều này đúng cả với người lớn). Do đó, các cơ chế giải quyết khiếu nại của NTD cần phải được bổ sung bởi các tiêu chí đầu vào (regulatory requirements) đối với tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ và các chương trình giáo dục trẻ em.

Luật Bảo vệ quyền lợi của NTD ra đời có quy định rõ về quyền và nghĩa vụ của người tiêu dùng; trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ đối với người tiêu dùng; cũng như vấn đề giải quyết tranh chấp giữa người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ; v.v. Luật này cũng đưa ra một định nghĩa rõ ràng về NTD (Khoản 1, Điều 3 – “Người tiêu dùng là người mua, sử dụng hàng hóa, dịch vụ cho mục đích tiêu dùng, sinh hoạt của cá nhân, gia đình, tổ chức”). Tuy nhiên, không phân biệt giữa NTD lớn tuổi và NTD là trẻ em. Từ đó, có thể thấy, với tư cách là đối tượng được bảo vệ của luật này, trẻ em cũng có các quyền tương tự như người lớn, kể cả được tham gia giải quyết tranh chấp và bồi thường thiệt hại, bao gồm cả các trường hợp trẻ em cần có người đại diện về mặt pháp lý vì chưa đủ tuổi tham gia các vụ án dân sự. Tuy nhiên, do đặc thù về độ tuổi và hạn chế về hiểu biết, nhận thức và hành vi, công tác bảo vệ NTD là trẻ em cần được chú trọng đặc biệt ở một số lĩnh vực sau đây:

Kinh doanh các loại hàng hóa có hại, nguy hiểm và không an toàn đối với trẻ em 

Khoản 3 và khoản 5 Điều 7 Luật về bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em 2004 của Việt Nam nghiêm cấm “bán, cho trẻ em sử dụng rượu, bia, thuốc lá, chất kích thích khác có hại cho sức khoẻ;” và “Lợi dụng, dụ dỗ, ép buộc trẻ em mua, bán, sử dụng văn hoá phẩm kích động bạo lực, đồi trụy; làm ra, sao chép, lưu hành, vận chuyển, tàng trữ văn hoá phẩm khiêu dâm trẻ em; sản xuất, kinh doanh đồ chơi, trò chơi có hại cho sự phát triển lành mạnh của trẻ em”. Luật này áp dụng cho việc bảo vệ trẻ em dưới 16 tuổi, như vậy có nghĩa ít nhất thì người bán không thể bán các loại rượu bia hoặc chất kích thích cho trẻ em nếu không có bằng chứng cụ thể về tuổi. Tuy nhiên, thực tế ở Việt Nam hoàn toàn cho thấy điều ngược lại. Rượu bia được bày bán tự do trong tất cả các cửa hàng, các điểm kinh doanh tự phát hoặc các hàng quán rong cho mọi đối tượng người mua. Kể cả trong các siêu thị, nơi lẽ ra việc kinh doanh mặt hàng này phải được quản lý chặt chẽ hơn cũng không hề có quy định về độ tuổi của người mua.   

Gần đây báo chí có nêu nhiều vụ việc về các đồ dùng cho trẻ em có thể có các tác động độc hại hoặc không an toàn khác, ví dụ như bình sữa nhựa trong có chứa chất BPA, các loại cốc nhựa, đồ chơi trẻ em có xuất xứ từ Trung Quốc có thể gây ung thư  hoặc vô sinh hiện đang có mặt tại thị trường Việt Nam. Một số các công ty sản xuất hoặc nhập khẩu các mặt hàng này có thể có thông cáo đăng tải tại nơi họ bán hàng, hay in trên sản phẩm về việc tuân thủ các tiêu chuẩn Âu, Mỹ. Tuy nhiên, cho đến nay thì trách nhiệm đảm bảo an toàn cho trẻ em trong khi sử dụng các mặt hàng này luôn thuộc về cha mẹ các em. Điều này, thực ra là đi ngược lại các nguyên tắc về trách nhiệm sản phẩm (product liability) trong bảo vệ NTD. Theo Luật ảo vệ quyền lợi của NTD 2010, trong trường hợp hàng hóa có khuyết tật (bao gồm việc không đảm bảo an toàn, có khả năng gây thiệt hại cho tính mạng, sức khỏe và tài sản của NTD), tổ chức cá nhân kinh doanh hàng hóa dịch vụ có trách nhiệm thu hồi các hàng hóa này và bồi thường thiệt hại. Tuy nhiên, cơ chế này, khi áp dụng đối với trường hợp NTD là trẻ em, thì chỉ có tác dụng sửa chữa (remedy) khi thiệt hại đã xảy ra.

Liên minh Châu Âu yêu cầu tất cả các nhà sản xuất đồ chơi trẻ em phải đảm bảo các tiêu chuẩn cấp thiết nhất về an toàn trước khi được đưa hàng hóa của họ ra thị trường. Đây là mô hình mà việc tuân thủ pháp luật của các nhà sản xuất là ngầm định. Nhà sản xuất chứng thực việc các sản phẩm của họ tuân thủ với các quy định của pháp luật bằng cách dán nhãn “Cộng đồng Châu Âu” ('Communauté Européene' - CE) trên các đồ chơi. Liên minh Châu Âu có một chỉ thị quy định riêng về các tiêu chuẩn về an toàn cho tất cả các loại đồ chơi thiết kế cho trẻ em dưới 14 tuổi. Chỉ thị này đưa ra các nguyên tắc chung cũng như đề cập đến các hiểm nguy cụ thể như những tiêu chí mà theo đó độ an toàn của đồ chơi phải được so sánh. Ví dụ như đồ chơi và các bộ phận của đồ chơi, cũng như gói bọc để bán lẻ của chúng phải được kiểm nghiệm an toàn để không gây ngạt thở hoặc đột tử ở trẻ em. Đây là một mô hình có thể được nghiên cứu, học tập và áp dụng cho phù hợp với tình hình Việt Nam. Ngoài việc kiểm soát chặt chẽ hàng sản xuất trong nước, các tiêu chuẩn an toàn cũng cần được áp dụng với hàng hóa nhập khẩu chính thức, bên cạnh việc ngăn chặn sự lan tràn của hàng hóa nhập lậu.    

An toàn cho trẻ em với tư cách NTD tại các điểm kinh doanh dịch vụ vui chơi giải trí

Cũng theo Luật về bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em 2004, trẻ em có quyền được vui chơi giải trí lành mạnh, được hoạt động văn hoá, nghệ thuật, thể dục, thể thao, du lịch phù hợp với lứa tuổi. Tuy nhiên đến nay không có luật nào quy định nghĩa vụ của các nhà cung cấp dịch vụ đặc biệt là dịch vụ vui chơi giải trí phục vụ riêng đối tượng trẻ em phải có nghĩa vụ đảm bảo an toàn như thế nào và phải chịu trách nhiệm ra sao trong trường hợp vi phạm pháp luật hoặc có thiệt hại xảy ra đối với trẻ em trong khi đang sử dụng các dịch vụ này với tư cách NTD. Một lần nữa như đã đề cập tới ở trên, chúng ta cần có các quy định về tiêu chuẩn an toàn đặt ra từ trước khi các điểm kinh doanh dịch vụ này được cấp phép hoạt động để họ tuân thủ thì quyền lợi của trẻ em mới có thể được bảo vệ.

Bảo vệ NTD là trẻ em đối với hàng hóa, dịch vụ là các phương tiện thông tin

Trẻ em cũng là một bộ phận NTD trực tiếp và sôi động của các dịch vụ thông tin truyền hình, v.v. bao gồm cả tivi, báo, đài phát thanh và dịch vụ Internet. Điều 29 Luật về bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em 2004 của Việt Nam có quy định: “Trên xuất bản phẩm, đồ chơi, chương trình phát thanh, truyền hình, nghệ thuật, điện ảnh nếu có nội dung không phù hợp với trẻ em thì phải thông báo hoặc ghi rõ trẻ em ở lứa tuổi nào không được sử dụng. ». Tuy nhiên, đây là một điều khoản chỉ mang tính nguyên tắc mà chưa được cụ thể hóa trong thực thi. Ví dụ, ở nhiều quốc gia trên thế giới có các điều khoản cụ thể cấm phát các chương trình truyền hình hoặc phát thanh có nội dung không phù hợp với trẻ em vào thời gian mà thường có một số lượng lớn trẻ em tiếp cận với các phương tiện truyền thông này. Hay họ cũng quy định cụ thể về các dấu hiệu phải dán nhãn  trên các văn hóa phẩm hoăc phát ở đầu các chương trình truyền hình không dành cho trẻ em. Ngoài ra, người bán còn bị cấm bán một số văn hóa phẩm không phù hợp cho trẻ em dưới độ tuổi quy định.

Vấn đề quảng cáo

Trẻ em là bộ phận NTD có khả năng tiêu thụ lớn và có ảnh hưởng cao tới chi tiêu của các gia đình. Do vây, càng ngày các chương trình quảng cáo hoặc khuyến mại càng được thiết kế nhắm vào đối tượng trẻ em ở độ tuổi nhỏ hơn. Do vậy, đã xuất hiện không ít quan ngại của cộng đồng về tác động của các hoạt động quảng cáo với trẻ em. Một số nghiên cứu trên thế giới đã chỉ ra rằng trẻ em dưới 7 tuổi không có khả năng phân biệt giữa các chương trình tivi, kể cả quảng cáo, với đời thực. Do vậy, chúng rất dễ bị dẫn dắt bởi các chương trình quảng cáo. Xét từ góc độ luật pháp bảo vệ NTD, cần có các quy định rõ ràng về các quảng cáo có khả năng dẫn dắt tới ấn tượng sai lệch về hàng hóa dịch vụ (misleading), các quảng cáo lừa đảo (deceptive), có tính chất so sánh (comparative) hoặc đưa thông tin không chính xác, đặc biệt khi tính đến ảnh hưởng của chúng lên trẻ em, và kể cả người lớn trong nhiều trường hợp.   

Trên đây là một số vấn đề liên quan đến bảo vệ NTD là trẻ em ở nước ta cũng như kinh nghiệm trên thế giới. Một cách vắn tắt, vấn đề bảo vệ NTD trẻ em liên quan chủ yếu đến các vấn đề về an toàn (thể chất cũng như tinh thần), trong khi cha mẹ các em là những người chịu thiệt hại về kinh tế. Quyền lợi của cha mẹ và trẻ em trong các trường hợp này cần được bảo vệ. Bên cạnh việc đưa ra các quy định về giải quyết tranh chấp có thể áp dụng được trong trường hợp NTD, người khiếu nại là trẻ em, chúng ta cũng cần xem xét lại toàn bộ hệ thống luật pháp có liên quan, đặc biệt là hệ thống tiêu chuẩn mà các cá nhân, tổ chức kinh doanh hàng hóa dịch vụ cần tuân thủ. Ngoài ra, việc đưa các nội dung liên quan đến bảo vệ NTD nói chung và bảo vệ trẻ em nói riêng vào chương trình giáo dục, hoặc các hoạt động ngoại khóa từ  các bậc cơ sở cần được xem xét thực hiện, để đảm bảo giáo dục và thông tin cho các em về quyền của mình.                  

                                                                                                     Quế Anh Phạm - Giám đốc CUTS Hà Nội
 

Theo: http://www.vca.gov.vn


Các bài viết khác