Trang chủ >> Giá cả thị trường >> Hưng Yên - Bảo đảm nguồn cung ứng gạo cho thị trường

Hưng Yên - Bảo đảm nguồn cung ứng gạo cho thị trường

27/02/2024 | 403

Thời gian qua, giá gạo tăng nhanh đã và đang ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động tiêu dùng, sản xuất, kinh doanh của người dân, doanh nghiệp trong tỉnh.

Hiện nay, tại một số đại lý, cơ sở kinh doanh gạo trên địa bàn tỉnh, giá gạo đã tăng 3 – 5 nghìn đồng/kg so với thời điểm tháng 8/2023, tương đương tăng 3 – 5 triệu đồng/tấn. Cụ thể, gạo tám Hải Hậu 26,5 nghìn đồng/kg, gạo hương thơm 25,8 nghìn đồng/kg, tám Điện Biên 27 nghìn đồng/kg…

Khách hàng lựa chọn mua gạo tại siêu thị Intimex (Yên Mỹ)

Khách hàng lựa chọn mua gạo tại siêu thị Intimex (Yên Mỹ)

Cơ sở xay xát và chế biến gạo Xuân Hùng, thị trấn Yên Mỹ (Yên Mỹ) chuyên nhập thóc về xay xát và bán ra thị trường. Anh Nguyễn Xuân Hùng, chủ cơ sở xay xát và chế biến gạo chia sẻ: Thông thường, thị trường gạo duy trì ở mức ổn định, nếu có tăng thì mức tăng chỉ dao động 300-400 đồng/kg; chưa bao giờ giá gạo lại có mức tăng đột biến như hiện nay, giá gạo tăng kéo giá thóc lên theo. Trong quý IV năm 2023, cơ sở đã phải bù lỗ nhiều đơn hàng vì hợp đồng tiêu thụ ký khi giá thóc, gạo còn ở mức thấp nhưng từ tháng 10/2023 đến nay tăng mạnh và duy trì ở mức cao.

Chị Phạm Thị Quyên, chủ đại lý gạo Toàn Quyên, phường Nhân Hòa (thị xã Mỹ Hào) cho biết: Khi giá gạo lên, đại lý cũng buộc phải điều chỉnh tăng giá bán cho người tiêu dùng. Thời điểm cuối năm 2023, các loại gạo đều tăng giá, thậm chí một số loại còn thay đổi giá liên tục theo ngày. Hiện nay, giá gạo giữ ở mức cao, một số loại gạo đã giảm 200 – 300 đồng/kg. Dự kiến, thời gian tới, thị trường thóc, gạo còn tiếp tục biến động do ảnh hưởng của thị trường trong nước và thế giới.

Giá gạo tăng đã ảnh hưởng trực tiếp đến chi phí đầu vào của những cơ sở sản xuất, chế biến các sản phẩm từ gạo. Bà Nguyễn Thị Hiên, chủ cơ sở sản xuất bánh tẻ ở xã Phụng Công (Văn Giang) cho biết: Gia đình tôi sử dụng gạo tám thơm, gạo dẻo 64 và gạo Xi để làm vỏ bánh tẻ. Trung bình, gia đình sản xuất 2 – 5 nghìn chiếc bánh tẻ/ngày, sử dụng khoảng 1,2 tấn gạo các loại/tháng. Trước đây, gạo có giá trung bình khoảng 14,5 triệu đồng/tấn nhưng từ tháng 7/2023 đến nay, gạo tăng giá và duy trì ở mức cao, 18,5 triệu đồng/tấn nên gia đình tôi phải điều chỉnh giá bán lẻ bánh tẻ từ 3 nghìn đồng lên 4 nghìn đồng/chiếc mới bảo đảm duy trì sản xuất.

Theo đánh giá của ngành chuyên môn, tháng 7/2023, giá gạo trên địa bàn tỉnh tăng nhẹ và từ tháng 10/2023 đến nay, giá gạo tăng mạnh và duy trì ở mức cao, với mức tăng trung bình 20 – 30%. Tuy nhiên, nguồn cung gạo vẫn bảo đảm, không bị đứt gãy và không có tình trạng tiểu thương thu mua thóc, gạo ồ ạt, gây tình trạng khan hàng, sốt giá. Tại các chợ truyền thống, giá gạo tăng chủ yếu là gạo tẻ. Lý giải nguyên nhân giá gạo tẻ tăng, nhiều tiểu thương cho rằng, đây là loại lương thực thiết yếu, nhu cầu sử dùng hằng ngày lớn và không thể thay thế được. Còn các loại gạo khác như gạo nếp, gạo lứt hay các loại gạo đặc sản cơ bản ổn định. Gạo nếp cái hoa vàng giá 28 – 35 nghìn đồng/kg, gạo lứt có giá 25 – 32 nghìn đồng/kg, tùy từng loại và nguồn gốc vùng trồng nên giá sẽ khác nhau.

Mặt khác, gạo tăng giá đẩy giá thóc tăng theo, nhiều diện tích ruộng khó canh tác, bỏ hoang trước đây được người dân nhận gieo cấy. Ông Phạm Trịnh Lương, Giám đốc Công ty TNHH Lương Nhiên, xã Nguyễn Trãi (Ân Thi) cho biết: Vụ xuân năm nay, sản lượng thóc giống của công ty tiêu thụ tăng 30% so với cùng kỳ năm trước, các đại lý của công ty cũng bán “chạy” hàng hơn. Nguyên nhân do giá vật tư nông nghiệp giảm, giá thóc, gạo tăng cao nên người dân nhận thêm ruộng gieo cấy để tăng thu nhập.

Trong bối cảnh một số nước cấm xuất khẩu gạo, giảm lượng gạo bán ra, tăng mua dự trữ gạo do ảnh hưởng của hiện tượng thời tiết cực đoan, thiên tai, hạn hán dẫn đến hiện tượng tiểu thương ở một số địa phương trong nước thu mua lúa, gạo ồ ạt, gây mất cân đối cung - cầu cục bộ, đẩy giá lương thực trong nước lên cao bất hợp lý. Để bảo đảm cung ứng gạo trên thị trường trong tỉnh, Sở Công Thương đã phối hợp với các cơ quan chức năng, chính quyền các địa phương theo dõi sát tình hình giá gạo; tăng cường kiểm tra, kiểm soát các cơ sở kinh doanh, đầu mối bán buôn, bán lẻ, các chợ, siêu thị, trung tâm thương mại, các kho nhằm kiểm soát nguồn cung, giá bán, ngăn chặn các hành vi vi phạm về niêm yết giá, đầu cơ, găm hàng, định giá bất hợp lý đối với mặt hàng gạo. Đồng thời, đẩy mạnh giám sát hoạt động sản xuất, lưu thông, tiêu thụ lúa, gạo để ngăn chặn kịp thời việc vận chuyển, kinh doanh gạo không rõ nguồn gốc, xuất xứ và xử lý nghiêm các trường hợp đầu cơ, trục lợi bất chính, đẩy giá thóc, gạo lên cao, gây bất ổn thị trường.

Nguồn: https://baohungyen.vn/bao-dam-nguon-cung-ung-gao-cho-thi-truong-3169964.html


Các bài viết khác