Trang chủ >> Giá cả thị trường >> Hưng Yên - Tất bật bán “phương tiện” đưa ông Táo về trời

Hưng Yên - Tất bật bán “phương tiện” đưa ông Táo về trời

31/01/2024 | 420

Trong tín ngưỡng của người dân Việt Nam, ngày 23 tháng Chạp hằng năm là ngày ông Công, ông Táo về trời báo cáo những công việc năm qua ở hạ giới. Ngày này, người dân thường cúng tiễn ông Công, ông Táo bằng cá chép. Nắm bắt được nhu cầu đó, một số cơ sở nuôi trồng thuỷ sản trong tỉnh phát triển thêm nghề sản xuất “phương tiện” để các Táo “về trời”, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Thành viên Hợp tác xã Thủy sản Hưng Phát, xã Quang Hưng (Phù Cừ) thu hoạch cá chép đỏ

Thành viên Hợp tác xã Thủy sản Hưng Phát, xã Quang Hưng (Phù Cừ) thu hoạch cá chép đỏ

Chỉ còn vài ngày nữa là đến ngày 23 Tết, thời điểm này, tại các trang trại của Hợp tác xã Thủy sản Hưng Phát, xã Quang Hưng (Phù Cừ) tấp nập không khí thu hoạch, nhộn nhịp thương lái đến thu mua. Hiện nay, Hợp tác xã có 6 thành viên nuôi loại cá này với tổng diện tích 6 héc-ta. Năm nay, thời tiết tương đối thuận lợi cho hoạt động sản xuất, nuôi trồng thuỷ sản nên sản lượng cá chép đỏ ổn định với khoảng 14 tấn. Thương lái thu mua với giá bán cao hơn năm trước từ 10.000 đến 15.000 đồng/kg nên nông dân rất phấn khởi. Ước tính, với giá bán cá chép đỏ từ 80.000 - 85.000 đồng/kg, mang lại cho các thành viên trong hợp tác xã doanh thu khoảng 1,2 tỷ đồng, trừ chi phí mang lại lợi nhuận 500 - 600 triệu đồng. 

Anh Lưu Văn Dũng, Giám đốc Hợp tác xã Thủy sản Hưng Phát cho biết: Để thu hoạch đúng vào dịp Tết ông Công, ông Táo, cá giống được thả nuôi từ tháng 7 âm lịch. Do được nuôi với mật độ dày hơn nhiều so với cá thương phẩm, vì vậy trong quá trình nuôi cần dùng sủi hoặc bơm để tăng nồng độ oxy trong nước, đồng thời chú ý phòng bệnh. Sau khoảng 5 - 6 tháng chăm sóc, cá cho thu hoạch. Trọng lượng đạt chuẩn từ 25 - 30 con/kg, màu sắc đỏ tươi hoặc vàng, đuôi dài, vây nhọn, vảy ánh đẹp, khỏe mạnh...

Chị Phạm Thị Hương, thương lái ở thành phố Hà Nội cho biết: Nhiều năm nay, cứ vào đầu tháng 12 âm lịch, tôi về Hợp tác xã Thủy sản Hưng Phát để xem và đặt hàng cá chép đỏ về bán dịp Tết ông Công, ông Táo. Các hộ nuôi cá tại đây có năm kinh nghiệm, kỹ thuật nuôi thả, chăm sóc nên cá khỏe, có màu sắc tươi đẹp, được thị trường ưa chuộng.  

Cá chép của Hợp tác xã Thủy sản Hưng Phát, xã Quang Hưng (Phù Cừ) có hình dáng đẹp, đỏ đều, cá sống khỏe… nên được thị trường ưa chuộng

Cá chép của Hợp tác xã Thủy sản Hưng Phát, xã Quang Hưng (Phù Cừ) có hình dáng đẹp, đỏ đều, cá sống khỏe… nên được thị trường ưa chuộng

Không chỉ tại Hợp tác xã Thủy sản Hưng Phát, không khí tại các hộ nuôi cá chép đỏ trong tỉnh những ngày này cũng trở nên nhộn nhịp. Những mẻ lưới đỏ rực được kéo lên trong niềm vui của các hộ nuôi cá. Người nuôi cá tất bật, hồ hởi mong vụ cá bội thu khi Tết ông Công, ông Táo cận kề. Năm nay, gia đình anh Nguyễn Văn Thịnh ở thôn 3, xã Hạ Lễ (Ân Thi) có hơn 3 héc-ta nuôi cá chép đỏ. Là người có nhiều năm kinh nghiệm nuôi loại cá này, anh Thịnh cho biết: So với các giống cá tôi đã nuôi, cá chép đỏ khá dễ tính, dễ chăm sóc, chi phí đầu tư thấp, thời gian nuôi ngắn, có thể tận dụng phụ phẩm nông nghiệp làm thức ăn, hiệu quả kinh tế cao gấp 3 - 5 lần so với nuôi cá thương phẩm... Tuy nhiên, anh Thịnh lưu ý, trong quá trình chăm sóc người nuôi phải biết cách “hãm” để khống chế trọng lượng cá, bảo đảm kích thước đồng đều bằng cách chia các ao nuôi nhỏ, không quá sâu, thả cá dày, cho ăn ít… 

Để có cá chép đỏ bán vào đúng dịp Tết ông Công, ông Táo, từ ngày 15 – 17 tháng Chạp, các hộ sản xuất trong tỉnh bắt đầu thu hoạch từ ao lên bể “ép” để cá thải hết lượng phân và thức ăn trong cơ thể, đồng thời giúp cá quen với môi trường chật chội, ôxy thấp khi vận chuyển. Bể chứa bảo đảm mực nước ổn định và luôn được bơm sủi để cá có đủ oxy thở, đồng thời tuyệt đối không cho cá ăn vì dễ chết nếu vận chuyển xa. Từ ngày 18 đến 22 tháng Chạp, thương lái các nơi về thu mua. Khi đó, cá được đưa vào các túi nylon chứa nước đựng trong bao tải, rồi bơm khí ôxy theo các chuyến xe đi đến các địa phương trong tỉnh và một số tỉnh, thành phố lân cận tiêu thụ… 

Hiện nay, do nhu cầu tiêu thụ cá chép đỏ chỉ mang tính thời vụ và tập trung vào dịp Tết ông Công, ông Táo nên phần lớn các hộ dân không tự sản xuất con giống mà mua cá bột, cá hương về ương nuôi. Ngoài cá chép đỏ, một số hộ còn nuôi thả cá vảy rồng (có vây và đuôi dài, vảy to bóng) hoặc cá chép Koi (cá có màu sắc sặc sỡ, có đốm trắng, đỏ, vàng) phục vụ tín ngưỡng thờ cúng ông Công, ông Táo với giá bán cao hơn.

Về thăm những hộ nuôi cá chép đỏ trong tỉnh vào những ngày này cảm nhận rõ không khí lao động vui tươi, nhộn nhịp. Không chỉ đem lại nguồn thu nhập ổn định cho những hộ sản xuất, nghề nuôi cá chép đỏ còn góp phần gìn giữ nét tín ngưỡng truyền thống của dân tộc. 

Nguồn: https://baohungyen.vn/tat-bat-ban-phuong-tien-dua-ong-tao-ve-troi-3169383.html


Các bài viết khác