Những năm gần đây, do tác động của biến đổi khí hậu, diễn biến thời tiết bất thường, cộng với vấn đề thâm canh, tăng vụ cây trồng đã tạo áp lực lớn về sâu bệnh nên nông dân đã tăng cường phun xịt thuốc BVTV. Chưa kể, tình hình dịch bệnh diễn ra ngày phức tạp, kéo theo số lượng và chủng loại thuốc BVTV của các doanh nghiệp đăng ký vào danh mục cũng tăng theo. Bên cạnh đó, một số thuốc BVTV kém chất lượng trên thị trường luôn tồn tại, khi phun không đem lại hiệu quả nên nông dân phải phun đi, phun lại nhiều lần, đồng thời đến nay có một bộ phận nông dân vẫn chưa thay đổi tập quán canh tác nên tình trạng lạm dụng thuốc BVTV khi chưa thực sự cần thiết vẫn diễn ra "đều đều".
|
Mặc dù các cơ quan chức năng khuyến cáo nông dân hạn chế sử dụng thuốc BVTV nhưng tình trạng sử dụng thuốc trên đồng ruộng vẫn còn nhiều |
Đáng nói hơn, do ảnh hưởng của nhiều thông tin trái chiều về việc quản lý dịch hại tổng hợp và các thông điệp “IPM thế hệ mới” (IPM-phòng trừ tổng hợp), phun thuốc định kỳ cho từng loại dịch hại của các công ty thuốc quảng cáo, hướng dẫn sử dụng theo từng "gói sản phẩm" khiến nông dân “rối tung", có xu hướng sử dụng thuốc BVTV nhiều hơn, thay vì phải giảm đi.
Từ đó, dẫn đến tình trạng tùy tiện, sử dụng vô tội vạ, không theo khuyến cáo của cơ quan nhà nước, không áp dụng kỹ thuật theo phương pháp “4 đúng” (đúng thuốc, đúng nồng độ liều lượng, đúng lúc và đúng cách); “3 giảm 3 tăng” (giảm lượng giống gieo sạ, thuốc trừ sâu bệnh, lượng phân đạm); “1 phải 5 giảm" (giảm lượng hạt giống, phân đạm bón thừa, thuốc BVTV, lượng nước tưới, tổn thất sau thu hoạch).
Theo thống kê của Bộ phận nghiên cứu thị trường Cty TNHH Adama Việt Nam (một nhánh của Tập đoàn ADAMA nổi tiếng về Hóa-nông của Israel) cho biết con số giật mình, trong năm 2016, mặc dù tình hình biến đổi khí hậu khốc liệt như mưa lũ miền Trung, khô hạn ở Tây Nguyên, hạn mặn ở ĐBSCL kéo dài gây thiệt hại sản xuất nghiêm trọng, nhưng thị trường bán lẻ thuốc BVTV vẫn đạt con số cao ngất ngưởng 20.500 tỷ đồng, trong đó cây lúa chiếm doanh số đến 60% là 12.750 tỷ đồng. Trong 60% đó, thuốc trị bệnh chiếm 49% tương ứng số tiền bán lẻ là 6.247 tỷ đồng với phần lớn là thuốc trị bệnh cháy lá (đạo ôn), lem lép hạt.
Theo nhận định, dự kiến năm nay, thị trường bán lẻ thuốc BVTV chỉ bằng hoặc cao hơn năm 2016 do thời tiết những tháng đầu năm 2017 khá thuận lợi. Như vậy, người nông dân mặc nhiên tiếp tục đối mặt với thị trường bán lẻ thuốc BVTV "khổng lồ", mặc cho các ngành chức năng "nhắc" mãi điệp khúc: "Hạn chế thấp nhất sử dụng thuốc BVTV".
"Siết" kiểu nào cũng hở
Tỉnh Long An với diện tích đất nông nghiệp rất lớn với hơn 330 ngàn ha, trong đó năm 2016 xóa sổ 10 ngàn ha quy hoạch trồng đay trước đây ở hai huyện Mộc Hóa và Thạnh Hóa chuyển sang trồng lúa 2 vụ; gần đây còn tăng trưởng "nóng" với khoảng 7.500 ha cây thanh long, chỉ đứng sau tỉnh Bình Thuận. Ở đây có hơn 800 cơ sở, đại lý buôn bán vật tư nông nghiệp và 120 cơ sở sản xuất, gia công thuốc BVTV và phân bón.
|
Thị trường bán lẻ thuốc BVTV năm 2016 tại Việt Nam theo thống kê của Cty TNHH Adama Việt Nam (một nhánh của Tập đoàn ADAMA của Israen) là 20.500 tỷ đồng |
Tại huyện Vĩnh Hưng, nơi đang có diện tích lúa 28 ngàn ha, với có 11 xã nhưng có trên 60 đại lý bán thuốc, tức mỗi xã "gánh" ít nhất 5 đại lý nhằm đáp ứng nhu cầu sử dụng thuốc của nông dân.
Chúng tôi tạt vào đại lý V.T nằm trên địa bàn xã Thạnh Hưng, chuyên buôn bán vật tư nông nghiệp, thật sự hoa mắt với rất nhiều loại thuốc BVTV đựng trong các bao bì, chai lọ màu sắc rực rỡ bày bán. Chỉ cần người mua mô tả về sâu, bệnh hoặc tình trạng sinh trưởng của cây lúa là được người bán tư vấn, giới thiệu ngay loại thuốc điều trị, phòng ngừa. Bà T., chủ đại lý cho biết, bà bán cho khoảng chục Cty thuốc, tỷ lệ chiết khấu mỗi sản phẩm tùy Cty mà nhiều hay ít. Thông thường từ 8-15% nhưng cũng có Cty bán "giá nét", còn đại lý bán ra bao nhiêu thì tùy. Mỗi năm tùy theo doanh số bán ra còn được các Cty trích thưởng hoặc cho đi du lịch trong và ngoài nước.
Theo tìm hiểu chúng tôi, hiện có không ít doanh nghiệp thuốc BVTV nhỏ lẻ, không có thương hiệu chuyên đi gia công "cấu kết" với các đại lý cấp 2, 3 bằng cách tăng chiết khấu đơn hàng từ 15% lên 20%, 30%; hoặc chính sách "mua 1 tặng 1" cho người mua thuốc. Trước tình thế đó, người nông dân dù băn khoăn không muốn cũng phải mua phun xịt, bởi đại lý vừa "ca" vừa "ép": "Thuốc này xài tốt, cứ phòng ngừa hơn chữa bệnh".
Theo Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh Long An, thuốc BVTV trên thị trường bán lẻ có hàng ngàn sản phẩm có tên thương mại khác nhau. Đứng đầu là thuốc trừ sâu với 1.678 tên thương phẩm, thuốc trừ bệnh có gần 1.300 tên thương phẩm, thuốc trừ cỏ có gần 700 tên thương phẩm, thuốc trừ chuột 28 tên, thuốc trừ ốc cũng gần 150 tên thương phẩm...
Từ số liệu trên phản ảnh, số lượng thuốc BVTV đang bày bán trên thị trường từ nhà phân phối cấp 1 xuống cấp 2, cấp 3 "nối nhau" chằng chịt chẳng khác gì “mê cung" nên ngành chức năng gặp rất nhiều khó khăn trong kiểm tra, xử lý sai phạm.
Theo đó, việc kiểm tra cũng chủ yếu nhãn mác, điều kiện kinh doanh của các đại lý, còn vấn đề chất lượng thuốc như thế nào thì đúng là vẫn còn khó như "mò kim đáy bể".
+ Từ thị trấn đến các vùng sâu, vùng xa, các mặt hàng thuốc BVTV đã và đang "bao vây" bày bán đầy rẫy ở khắp nơi với rất nhiều nhãn hiệu nên việc kiểm soát, kiểm tra chất lượng của ngành chức năng gặp rất nhiều khó khăn. Vì vậy mà vấn đề sử dụng thuốc BVTV gần như bao giờ cũng "nóng" trong các cuộc tiếp xúc cử tri với đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND các cấp ở các địa phương.
+ Theo ông Hồ Duy Tâm, Chủ tịch UBND xã Lợi Bình Nhơn, thành phố Tân An, nếu ở trên có đi kiểm tra theo kế hoạch thì báo trước cho chính quyền địa phương để thông báo lại cho các đại lý, các cơ sở sản xuất thuốc BVTV mà phần nhiều là từ nơi khác về xây dựng nhà máy, xưởng đóng gói bao bì hoạt động biết trước để chuẩn bị làm việc. "Do mình báo trước nên họ tìm cách đối phó, vì vậy khi tiến hành kiểm tra cũng khó phát hiện sai phạm", ông Tâm nói.
(Nguồn: baohungyen.vn)