Năm 2024, Uỷ ban Cạnh tranh Quốc gia đã triển khai hiệu quả nhiệm vụ quản lý nhà nước về cạnh tranh, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Linh hoạt trong cách thức triển khai công việc
Chiều 2/1, tại Hà Nội, Uỷ ban Cạnh tranh Quốc gia - Bộ Công Thương tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025. Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân dự và phát biểu chỉ đạo hội nghị.
|
Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân dự và phát biểu chỉ đạo hội nghị |
Phát biểu khai mạc hội nghị, ông Lê Triệu Dũng - Chủ tịch Uỷ ban Cạnh tranh Quốc gia - cho biết, thực hiện các nhiệm vụ được giao tại Quyết định số 155/QĐ-BCT ngày 23/1/2024 của Bộ Công Thương thực hiện Nghị quyết 01/NQ-CP và Quyết định 228/QĐ-BCT ngày 1/2/2024 thực hiện Chương trình công tác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ năm 2024, Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia đã thực hiện tốt công tác tham mưu Lãnh đạo Bộ Công Thương trong việc triển khai hiệu quả nhiệm vụ quản lý nhà nước về cạnh tranh, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp; tiến hành điều tra, xử lý vụ việc cạnh tranh theo quy định của pháp luật cạnh tranh.
Tuy nhiên, theo ông Lê Triệu Dũng, bên cạnh những kết quả đạt được trong thực hiện Kế hoạch công tác năm 2024, đơn vị còn một số tồn tại, hạn chế và vấn đề đặt ra cho ngành, lĩnh vực quản lý, cần được xem xét, giải quyết.
“Với tinh thần thẳng thắn, cầu thị và đổi mới, sáng tạo để có được sự chuyển biến thực chất, mạnh mẽ hơn trong thời gian tới, Uỷ ban Cạnh tranh Quốc gia mong muốn nhận được những đánh giá khách quan của đại biểu tham dự, đặc biệt là ý kiến chỉ đạo của Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân để Ủy ban thành tốt các nhiệm vụ, kế hoạch công tác năm 2025, góp phần nâng cao hình ảnh của đơn vị và sự phát triển chung của ngành Công Thương” - ông Lê Triệu Dũng bày tỏ.
|
Ông Lê Triệu Dũng - Chủ tịch Uỷ ban Cạnh tranh Quốc gia phát biểu khai mạc hội nghị |
Trình bày báo cáo kết quả công tác năm 2024, và phương hướng, nhiệm vụ năm 2025, bà Nguyễn Thị Quỳnh Nga - Phó Chủ tịch Uỷ ban Cạnh tranh Quốc gia - cho hay, năm 2024, Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia đã chủ động trong việc triển khai, phối kết hợp các nhiệm vụ để thực hiện hiệu quả chương trình, kế hoạch công tác năm 2024. Đáng chú ý, đơn vị đã linh hoạt trong cách thức triển khai công việc phù hợp với tình hình thực tiễn nhưng vẫn đảm bảo hiệu quả của hoạt động quản lý nhà nước.
Theo đó, về quản lý cạnh tranh, thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao, Uỷ ban Cạnh tranh Quốc gia đã tăng cường công tác giám sát và quản lý cạnh tranh; đặc biệt là trong kiểm soát tốt các hoạt động tập trung kinh tế; tập trung rà soát, theo dõi và xử lý các vụ việc điều tra và xử lý các vụ việc hạn chế cạnh tranh và cạnh tranh không lành mạnh.
Trong năm 2024, Uỷ ban Cạnh tranh Quốc gia đã xem xét 24 vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật về cạnh tranh bao gồm: 10 vụ việc về hành vi hạn chế cạnh tranh, 11 vụ việc về hành vi không lành mạnh và 3 vụ việc về hành vi tập trung kinh tế. Trên cơ sở đó, đã điều tra 1 vụ việc tập trung kinh tế, 8 vụ việc không lành mạnh...; đã quyết định xử phạt 5 doanh nghiệp và thu về ngân sách nhà nước hơn 2 tỷ đồng.
Công tác quản lý hoạt động bán hàng đa cấp được triển khai hiệu quả, đáp ứng yêu cầu về quản lý nhà nước. Theo đó, công tác tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính trong lĩnh vực này được duy trì hiệu quả, đúng pháp luật. Cùng đó, công tác tuyên truyền, phổ biến, cảnh báo đạt hiệu quả cao.
Trong năm, đơn vị đã xử lý 6 lượt hồ sơ đề nghị cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp, 40 lượt hồ sơ sửa đổi, bổ sung giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp; 65 lượt thông báo thay đổi thông tin danh mục hàng hóa kinh doanh theo phương thức đa cấp; xử lý 18 hồ sơ đề nghị gia hạn giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp, 2 hồ sơ thông báo chấm dứt hoạt động bán hàng đa cấp.
Đối với công tác bảo vệ người tiêu dùng, năm 2024, Ủy ban đã tập trung công tác triển khai kế hoạch tổ chức, thực thi Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2023, nhằm mục tiêu sớm đưa Luật vào cuộc sống một cách toàn diện, hiệu quả. Đồng thời, đã chủ động, khẩn trương xây dựng, trình cấp có thẩm quyền ban hành các văn bản hướng dẫn Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Các hoạt động trên có ý nghĩa quan trọng, tiếp tục tạo dựng nền tảng pháp lý để đẩy mạnh hiệu quả công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong thời gian tới.
Bên cạnh nhiệm vụ xây dựng văn bản pháp luật nêu trên, Ủy ban đồng thời đảm bảo tiến độ và chất lượng của các hoạt động chuyên môn, nổi bật là hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức; huy động, kêu gọi nguồn lực xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; chủ trì và phối hợp thanh, kiểm tra, phát hiện và xử lý vi phạm về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng...
Trong năm 2024, Tổng đài tư vấn và hỗ trợ người tiêu dùng 1800.6838 đã ghi nhận 8.446 cuộc gọi đến, trong đó, các tổng đài viên của Uỷ ban đã tiếp nhận và trả lời 5.536 cuộc gọi, chiếm khoảng 78,7%. Trong số 5.536 cuộc gọi được trả lời, có khoảng 65,5% cuộc gọi liên quan đến yêu cầu tư vấn, hỗ trợ liên quan đến lĩnh vực bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Đồng thời, Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia đã tiếp nhận tổng cộng 787 đơn, thư phản ánh, yêu cầu, kiến nghị, khiếu nại của người tiêu dùng qua 4 phương thức, gồm: Qua đường bưu điện, công văn (chiếm khoảng 67%); qua hộp thư điện tử (chiếm khoảng 31,2%); qua website (chiếm khoảng 1%) và qua Cổng dịch vụ công quốc gia (chiếm khoảng 1%).
|
Bà Nguyễn Thị Quỳnh Nga - Phó Chủ tịch Uỷ ban Cạnh tranh Quốc gia phát biểu tại hội nghị |
Nâng cao hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước về cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng
Theo bà Nguyễn Thị Quỳnh Nga, trong bối cảnh chung của nền kinh tế, xã hội trong 2025 sẽ tiếp tục gặp nhiều khó khăn, thách thức; để triển khai thực hiện Luật Cạnh tranh, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và các văn bản hướng dẫn, Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia đề ra các nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm trong năm tới:
Thứ nhất, rà soát, đề xuất sửa đổi, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật về cạnh tranh, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và quản lý các hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp.
Thứ hai, tập trung nguồn lực để tổ chức triển khai công tác điều tra, xử lý vụ việc cạnh tranh.
Thứ ba, tăng cường hoạt động quản lý nhà nước theo chức năng, thẩm quyền được giao, nâng cao hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước, đặc biệt trong công tác quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp, giải quyết phản ánh, kiến nghị, khiếu nại của người tiêu dùng.
Thứ tư, tăng cường và thực thi hiệu quả công tác kiểm tra, thanh tra chuyên ngành trong lĩnh vực quản lý được giao, nhằm sớm phát hiện, phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý các hành vi vi pháp pháp luật cạnh tranh, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp.
Thứ năm, kiện toàn thành viên Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia; tăng cường đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ, nghiệp vụ chuyên môn, đạo đức nghề nghiệp của công chức, viên chức nói chung, các điều tra viên vụ việc cạnh tranh nói riêng để đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực trong thời kỳ mới.
Để thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ được giao, toàn thể công chức, viên chức, người lao động của Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia quyết tâm đoàn kết, thống nhất trong ý chí, hành động, phát huy năng lực, trí tuệ tập thể để phấn đấu hoàn thành tốt các nhiệm vụ, kế hoạch công tác năm 2025 góp phần nâng cao hình ảnh của Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia và sự phát triển chung của ngành Công Thương.
|
Nguồn: https://congthuong.vn/duy-tri-canh-tranh-lanh-manh-va-bao-ve-nguoi-tieu-dung-367585.html