Trang chủ >> Bảo vệ người tiêu dùng >> Hưng Yên dồi dào nguồn cung thực phẩm dịp cuối năm

Hưng Yên dồi dào nguồn cung thực phẩm dịp cuối năm

24/12/2018 | 332

Hơn 1 tháng nữa là đến Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019, nhu cầu sử dụng thực phẩm trong tỉnh bắt đầu tăng cao. Để bảo đảm nguồn cung ứng thực phẩm tươi sống, người chăn nuôi trong tỉnh đang tích cực sản xuất để đáp ứng nhu cầu sử dụng thực phẩm từ gia súc, gia cầm của thị trường.

Khách hàng lựa chọn thực phẩm tại Tiên Lữ
Khách hàng lựa chọn thực phẩm tại thành phố Hưng Yên

Hưng Yên hiện đang chăn nuôi khoảng 600 nghìn con lợn, tăng khoảng 4% so với cùng kỳ năm ngoái; 8,7 triệu con gia cầm, tăng 3% so với cùng kỳ năm ngoái, hơn 40 nghìn con trâu, bò và một số loại vật nuôi khác. Tính đến thời điểm hiện tại, ngành chăn nuôi được đánh giá “được mùa, được giá”. Cơ cấu giống trong ngành chăn nuôi thay đổi tích cực theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng. Đến nay, đàn bò lai 3 máu chất lượng cao của tỉnh đạt 35%, đàn gà lông màu chất lượng cao đạt trên 90%, tỷ lệ nạc hóa đàn lợn đạt trên 85%, sản lượng trứng đạt trên 250 triệu quả. Tổng sản lượng sản phẩm chăn nuôi cung cấp ra thị trường đạt khoảng 150 nghìn tấn, tốc độ tăng trưởng ngành chăn nuôi tăng 4%.

Thời điểm nào, hoạt động chăn nuôi đang rất nhộn nhịp, khẩn trương tại các chuồng trại chăn nuôi trong tỉnh. Giá bán lợn hơi tăng, ổn định từ 45 – 47 nghìn đồng/kg hơi, giá gà thịt lông màu từ 90 – 95 nghìn đồng/kg hơi, giá bò thịt từ 60 – 70 nghìn đồng/kg hơi. Với giá thị trường như vậy càng tạo động lực cho các hộ tập trung chăm sóc, bảo vệ đàn vật nuôi.

Ông Hoàng Cao Bằng, thôn Dung, xã Hưng Đạo (Tiên Lữ) cho biết: “Giá lợn hơi tăng cao, người chăn nuôi như gia đình tôi thu nhập khá. Gia đình đã chủ động duy trì đàn lợn khoảng 30 con, đàn gà 400 con, đàn vịt trời 200 con để xuất bán vào thời điểm cuối năm do nhu cầu của thị trường lớn. Bên cạnh đó, gia đình tập trung nâng cao chất lượng đàn vật nuôi, nguồn thức ăn “sạch”, tránh dịch bệnh trước khi xuất bán”.

Các sản phẩm chăn nuôi được sản xuất theo hướng thực phẩm sạch, an toàn vệ sinh thực phẩm được người tiêu dùng lựa chọn hàng đầu. Chị Vũ Thị Nhàn ở phường Lê Lợi (thành phố Hưng Yên) cho biết: “Nhu cầu dùng sản phẩm thịt, trứng của gia đình vào dịp cuối năm tăng gấp đôi so với những tháng còn lại. Để dùng được sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng, bảo đảm an toàn thực phẩm, tôi thường liên hệ với trực tiếp tới các cơ sở sản xuất, đặt hàng theo nhu cầu sử dụng. Mặc dù giá cả có chênh lệnh cao hơn so với bán ở chợ nhưng gia đình lại rất yên tâm về chất lượng thịt”.

Nắm bắt nhu cầu của người tiêu dùng, hoạt động chăn nuôi theo hướng an toàn thực phẩm, an toàn dịch bệnh và sản xuất, sơ chế thực phẩm theo quy trình an toàn đã được triển khai rộng rãi trong tỉnh. Anh Nguyễn Văn Việt, Giám đốc hợp tác xã Siêu Việt, xã Lạc Đạo (Văn Lâm) cho biết: “Hiện nay, hợp tác xã đang phát triển chăn nuôi lợn thịt theo hướng hữu cơ, phối trộn một số loại thảo dược nhằm tăng sức đề kháng, tăng khả năng hấp thu dinh dưỡng, loại bỏ kháng sinh trong chăn nuôi lợn thịt. Cuối năm, lượng thịt lợn sơ chế, sản phẩm giò, chả, xúc xích… được thị trường tiêu thụ nhiều…

Dịp cuối năm, Công ty TNHH Thực phẩm Phương Thủy, xã Đức Thắng (Tiên Lữ) trung bình mỗi ngày mổ thịt hơn 10 con lợn được nuôi theo hướng VietGap. Anh Vũ Xuân Thủy, Giám đốc công ty cho biết: “Cuối năm, công ty đến trực tiếp các trang trại, cơ sở chăn nuôi lợn theo quy trình VietGap trên địa bàn toàn tỉnh để đặt hàng, thu mua. Trung bình mỗi ngày, công ty cung cấp ra thị trường khoảng trên 7 tạ các sản phẩm như: thịt lợn tươi sống, giò, xúc xích...’’

Trung bình mỗi tháng, hoạt động chăn nuôi trong tỉnh cung ứng ra thị trường trên 10 nghìn tấn thịt hơi gia súc, gia cầm các loại. Thời điểm trước, trong và sau Tết Nguyên đán, nhu cầu tiêu dùng thực phẩm của thị trường thường tăng khoảng 30 – 50%, đây là cơ hội tốt để người chăn nuôi tiêu thụ sản phẩm. 

Ông Nguyễn Đình Tưởng, Trưởng phòng Chăn nuôi, Sở Nông nghiệp và PTNT: “Để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng thực phẩm dịp cuối năm và bảo đảm lợi nhuận cho người chăn nuôi, cùng với chăm sóc, các cơ sở sản xuất cần quan tâm tới công tác phòng, chống dịch bệnh cho vật nuôi. Các địa phương, tổ chức, cá nhân cần chủ động, tích cực trong phát triển quy trình chăn nuôi an toàn, sản xuất bền vững, nâng cao chất lượng và cạnh tranh về giá”.

Nguyễn Nhân

(Nguồn: baohungyen.vn)


Các bài viết khác