Trang chủ >> Bảo vệ người tiêu dùng >> Kết nối sản phẩm OCOP với người tiêu dùng

Kết nối sản phẩm OCOP với người tiêu dùng

24/04/2024 | 40

Thời gian qua, nhiều hoạt động kết nối chuỗi sản xuất, phân phối và tiêu thụ sản phẩm OCOP của tỉnh vào các kênh bán lẻ và sàn thương mại điện tử đã được triển khai thực hiện. Qua đó, góp phần tăng giá trị nông sản của tỉnh.

Theo chị Nguyễn Khánh Vy, xã Thọ Vinh (Kim Động): Tôi thường xuyên đến điểm giới thiệu và bày bán sản phẩm OCOP của tỉnh ở Công ty TNHH 18/4 trong xã để tìm mua các sản phẩm OCOP. Ở đây, các sản phẩm đều có mã truy xuất nguồn gốc, chỉ dẫn địa lý, hạn sử dụng rõ ràng, giá thành phù hợp. Vì thế, bên cạnh việc mua để sử dụng, còn làm quà biếu người thân, bạn bè, góp phần quảng bá, giới thiệu các sản phẩm đặc trưng của tỉnh.

Nếu như trước đây, các sản phẩm đặc trưng của địa phương chỉ dừng lại ở sự nổi tiếng trong phạm vi hẹp, tiêu thụ ở mức độ khiêm tốn thì hiện nay, nhiều sản phẩm sau khi được công nhận sản phẩm OCOP đã được bày bán trong các nhà hàng, siêu thị, sàn thương mại điện tử, được nhiều người tiêu dùng trong và ngoài nước biết đến, dần khẳng định chỗ đứng trên thị trường. Chị Ngô Thị Thoa, quản lý Siêu thị The City, thị trấn Yên Mỹ (Yên Mỹ) chia sẻ: Năm 2023, siêu thị được Sở Công Thương chọn 1 gian hàng làm điểm giới thiệu và bày bán các sản phẩm OCOP của tỉnh như: nhóm thực phẩm, đồ uống, dược liệu... Hằng ngày, gian hàng đón nhiều lượt khách hàng đến tham quan và mua sắm. Hiện nay, chúng tôi đang theo dõi việc tiêu thụ, tiếp nhận phản hồi của người tiêu dùng để tiếp tục lựa chọn sản phẩm OCOP, đáp ứng nhu cầu của khách hàng, từng bước trở thành một trong những kênh phân phối sản phẩm OCOP lớn trong tỉnh, góp phần quảng bá sản phẩm đặc trưng của địa phương.

Không chỉ dừng lại ở việc phát triển kênh bán hàng truyền thống, nhiều chủ thể OCOP trong tỉnh xây dựng kế hoạch lâu dài để mở rộng thị trường tiêu thụ, khai thác hiệu quả sàn thương mại điện tử để giới thiệu và đa dạng kênh tiêu thụ sản phẩm. Chị Nguyễn Thị Thu Nguyệt, Giám đốc Chi nhánh Công ty cổ phần T389, xã Liên Nghĩa (Văn Giang) cho biết: Khác với kênh bán hàng truyền thống, kênh thương mại điện tử giúp chúng tôi giới thiệu, quảng bá, đưa thông tin đầy đủ, chi tiết hơn về sản phẩm OCOP đến với người tiêu dùng ở trong và ngoài nước. Hiện nay, công ty có 3 sản phẩm OCOP được xếp hạng 3 sao, 4 sao gồm: Khô gà Việt, khô heo Việt và muối vừng Việt. Ngoài việc bán hàng qua fanpage, chúng tôi xây dựng phần mềm bán hàng tích hợp với nền tảng số. Những năm qua, kênh bán hàng trực tuyến trên mạng xã hội, sàn thương mại điện tử đã giúp doanh nghiệp phát triển thêm nhiều khách hàng tiềm năng, mở rộng thị trường tiêu thụ, là tiền đề để doanh nghiệp mở rộng sản xuất.

Thời gian qua, nhằm kết nối sản phẩm OCOP đến người tiêu dùng, ngành Công Thương đã hỗ trợ xây dựng 12 điểm giới thiệu và bán giới thiệu sản phẩm OCOP của tỉnh tại một số huyện, thị xã, thành phố; hỗ trợ các chủ thể tham gia các sàn thương mại điện tử uy tín trong nước; đưa nhiều sản phẩm OCOP của tỉnh tham gia Hội chợ VietnamExpo; tổ chức các hội nghị quảng bá, kết nối sản phẩm nông sản đặc sản của tỉnh như: Nhãn, vải, cam, nghệ, gà Đông Tảo… Sàn thương mại điện tử tỉnh Hưng Yên với tên miền http://ecomhungyen.vn được duy trì vận hành và phát triển. Thời gian tới, ngành Công Thương tỉnh tiếp tục đẩy mạnh công tác kết nối cung - cầu các sản phẩm OCOP vào các siêu thị, chuỗi cửa hàng bán lẻ, từng bước nâng cao sức mua cho các gian hàng, điểm bán hàng OCOP. Đồng thời, tăng cường tuyên truyền, quảng bá để người tiêu dùng biết đến các sản phẩm OCOP của tỉnh nhiều hơn, xây dựng kế hoạch đưa các sản phẩm OCOP của địa phương vào bày bán tại các điểm bán hàng Tự hào hàng Việt Nam…

Nguồn: https://baohungyen.vn/ket-noi-san-pham-ocop-voi-nguoi-tieu-dung-3171595.html


Các bài viết khác